Nhà thơ Tế Hanh – Nhà thơ gắn bó với quê hương, đất nước

Tế Hanh (1921-2009) tên thật là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20-6-1921 tại thôn Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thuở nhỏ học trường làng, rồi trường huyện. Năm 1936 đậu tiểu học, ra học tại trường Quốc học Huế. Năm 1943 đậu tú tài triết học. Sáng tác thơ từ sớm. Cùng chúng tôi tìm hiểu thêm những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ và đôi nét về tiểu sử của nhà thơ qua bài viết dưới đây bạn nhé!

Tổng hợp những bài thơ hay của nhà thơ Tế Hanh

Tổng hợp những bài thơ hay của nhà thơ Tế Hanh

1. Anh đến với em là lẽ tất nhiên

Anh đến với em là lẽ tất nhiên
Như con sông trở về với biển
Như qua mùa đông mùa xuân lại đến
Như sau cơn mưa là lúc mặt trời lên
Anh đến với em là lẽ tất nhiên
Như cái hoa đến ngày kết quả
Như con chim buổi chiều quay về tổ
Như máu trong người trở lại tim
Anh đến với em là lẽ tất nhiên
Như quyển truyện phải đến hồi kết thúc
Như cây kim địa bàn quay về hướng bắc
Cuộc đời anh hướng đến cuộc đời em

2. Anh trong đau ốm gặp em

Anh trong đau ốm gặp em
Em ơi! Đối xử dịu hiền với anh
Ngày mai bệnh khỏi. Trời xanh
Câu thơ đẹp nhất anh dành tặng em.

3. Anh yêu em

Anh yêu em như hoa nở không nghĩ đến giờ tàn
Anh yêu em như trăng tròn không nghĩ đến hồi khuyết
Anh yêu em như người vào bữa tiệc
Uống cốc rượu đầy không nghĩ đến khi tan.

4. Bài thơ – bức tranh – bản đàn

Yêu em như một bài thơ
Mà nay câu chữ đều mờ trong anh
Yêu em như một bức tranh
Mà nay màu đỏ màu xanh đều tàn
Yêu em như một bản đàn
Mà nay điệu bổng điều trầm đều im.

5. Bài thơ tình ở hàng châu

Anh xa nước nên yêu thêm nước
Anh xa em càng nhớ thêm em
Trăng Tây Hồ vời vợi thâu đêm
Trời Hàng Châu bốn bề êm ái
Mùa thu đã đi qua còn gửi lại
Một ít vàng trong nắng trong cây
Một ít buồn trong gió trong mây
Một ít vui trên môi người thiếu nữ…

Anh đã đến những nơi lịch sử
Đường Tô Đông Pha làm phú
Đường Bạch Cư Dị đề thơ
Hồn người xưa vương vấn tự bao giờ
Còn thao thức trên cành đào ngọn liễu

Phong cảnh đẹp nhưng lòng anh thấy thiếu
Bức tranh kia anh muốn điểm thêm màu
Có hai ta cùng tựa bên cầu
Cho mặt nước Tây Hồ trong sáng nữa.
Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa
Làn nước qua, ánh mắt ai đưa
Cơn gió đến bàn tay em vẫy
Chúng mình đã yêu nhau từ độ ấy
Có núi sông và có trăng sao
Có giận hờn và có chiêm bao
Cay đắng ngọt bùi cuộc đời kháng chiến
Nói sao hết em ơi bao kỷ niệm…

Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui
Những ngày vui sao lại thấy ngùi ngùi
Anh không muốn hỏi nhiều quá khứ
Ngày đẹp nhất là ngày rồi gặp gỡ
Rời Tây Hồ trắng xuống Bắc Cao Phong
Chỉ mình anh với im lặng trong phòng
Anh ngước nhìn bức thêu trên vách:
Hai bóng người đi một hàng tùng bách
Bàn tay nào đã dệt nỗi lòng anh?

Tiếng mùa xuân đem sóng vỗ bên mình
Vơ vẩn tình chăn chập chờn mộng gối
Anh mơ thấy Hàng Châu thành Hà Nội
Nước Tây Hồ bỗng hóa nước Hồ Tây.

6. Quê hương

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

7. Nhớ con sông quê hương

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông
Hình ảnh cô em đôi má ửng hồng…
Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam”
Tôi nhớ không nguôi ánh sáng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết…
Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy, lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi! lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không gành thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương

8. Rét nàng Bân

Khi em đan áo ấm cho anh
Gió còn thổi qua bàn tay lạnh
Những đôi chim tìm nhau ủ cánh
Mây đầy trời, rơi rớt nắng mong manh
Em vội dệt thời gian qua sợi thắm
Những giờ trưa không nghỉ những đêm thâu
Sợi len mịn so sợi lòng rối rắm
Áo đan rồi, mùa lạnh hết còn đâu!
Em gửi áo lo anh giận dỗi
Nhận áo em anh lại ngại em phiền
Đời cán bộ ít giờ nhàn rỗi
Vì việc chung đôi lúc nhẹ niềm riêng
Hoa bắt đầu thưa thớt cuối đường xuân
Cành cây đã sum suê lá đậm
Tháng ba đến với những ngày nắng ấm
Bỗng mùa đông trở lại! Rét nàng Bân
Nàng Bân xưa may áo ấm cho chồng
Áo may xong không còn mùa lạnh nữa
Nàng Bân khóc, đất trời thương lệ ứa
Cho rét về đáp lại nỗi chờ mong
Anh mặc áo của em và cảm thấy
Bàn tay yêu nhân ấm gấp hai lần
Thời gian hiểu lòng ta biết mấy:
Có tình người nên có rét nàng Bân.

9. Bão

Cơn bão nghiêng đêm
Cây gãy cành bay lá
Ta nắm tay em
Cùng nhau qua đường cho khỏi ngã
Cơn bão tạnh lâu rồi
Hàng cây xanh thắm lại
Nhưng em đã xa xôi
Và cơn bão lòng ta thổi mãi.

10. Hà Nội 1966

Hà Nội bớt phố đông
Hà Nội bớt ánh điện
Hà Nội về nông thôn
Hà Nội đi tiền tuyến
Hà Nội vận xanh, nâu
Khoác trên vai khẩu súng
Hà Nội vẫn yêu nhau
Miệng cười tươi, bước vững
Hà Nội vút mây xanh
Cánh thiên thần phản lực
Hà Nội nối nghìn năm
Nước sông Hồng thao thức
Hà Nội ở khắp nơi
Như lương tâm thời đại
Hà Nội trong mọi người
Như trái tim nóng hổi
Một góc Hà Nội bom
Tim Quảng Bình sôi sục
Tên lửa Hà Nội vang
Lòng Sài Gòn rạo rực
Ơi hình ảnh Bác Hồ
Nước hồ Gươm sáng chói
Hà Nội mãi thủ đô
Hà Nội mãi Hà Nội…

11. Mai vàng

Xuân bảy lăm. Tết Tân Biên
Mai rừng một nhánh nở bên giếng rừng
Em đang múc nước bỗng dưng
Nhìn mai vàng nở rưng rưng nhớ nhà
Giờ này mẹ ở quê xa
Cành mai mẹ cắm chắc là vàng thêm.

12. Bên phải bên trái

Nếu anh đi bên phải
Đường đời chắc đã gặp em
Nhưng anh lại phải đi bên trái
Mỗi ngày một xa thêm.

13. Cái nhìn

Mắt anh không được như xưa
Nhìn đêm bỡ ngỡ, nhìn trưa bàng hoàng
Nhìn mai như thể xuân sang
Nhìn chiều như thể thu choàng cỏ cây
Anh nhìn em cũng đổi thay
Cái môi hơi mím, cái mày hơi cong
Mắt em ngày trước hồ trong
Anh nhìn đôi lúc ngỡ vòng sương rơi
Nói sao hết được em ơi!
Anh không thể bắt cuộc đời đứng yên
Em không thể mãi là em
Dẫu anh còn mãi cái nhìn ngày xưa.

14. Chị công nhân chăn bò

Chị là con gái miền xuôi
Lên chăn bò sữa núi đồi Sa Pa
Đồi bát ngát, núi bao la
Đây là Thác Bạc, kia là Cầu Mây
Cỏ hương, cỏ sữa mọc đầy
Đường lên con suối lượn ngay chân đèo
Hàng sa mu đứng nhìn theo
Đêm khuya, một mảnh trăng treo trên ngàn
Nhìn đàn bò sữa nông trường
Trắng, đen, lang, đốm trong sương hiện dần
Càng yêu mến chị công nhân
Đẹp như một đoá hoa xuân trên rừng.

15.Con đường

Con đường hai chúng ta đi

Em không trở lại, anh thì cũng không
Cuối đường chỉ có hàng thông
Đầu nghiêng theo gió, ngóng trông người về.

16. Đêm nay

Đêm nay trăng lạc với mình
Trăng thơ bát ngát, trăng tình chơi vơi
Suốt đêm trăng sáng em ơi
Tưởng như trăng sáng suốt đời của anh.

17. Em đến với anh

Em đến với anh như tia nắng ấm
Giữa những ngày mây phủ bốn phương trời
Cơn gió lạnh mỗi giờ mỗi thấm
Nắng lên đi đẹp quá nắng ơi!
Em đến với anh như cơn gió mát
Cho một người ở giữa quãng đường xa
Chân đã mỏi mà cổ thì cháy khát
Cơn gió về như nước xối chan hoà
Em đến với anh thêm nguồn an ủi
Đau khổ thế nào vẫn giữ tấm lòng thơ
Đêm sắp hết mà bình minh đang đến
Hạnh phúc không xa hãy đợi chờ
Em đến với anh thêm một lần thử thách
Tâm hồn anh còn rung cảm hay không
Khi quanh ta toàn những người thiết thực
Thấy bó rau xanh không thấy đóa hoa hồng
Con vịt trong truyện An-đéc-xen gãy cánh
Trở thành thiên nga bay khắp trời xanh
Anh ra khỏi nỗi buồn tật bệnh
Chào đón mùa xuân – Em đến với anh

18. Hà Nội vắng em

Thế là Hà Nội vắng em
Anh theo các phố đi tìm ngày qua
Phố này bên cạnh vườn hoa
Nhớ khi đón gió, quen mà chưa thân
Phố này đêm ấy có trăng
Cùng đi một quãng nói bằng lặng im
Phố này anh đến tìm em
Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây
Anh theo các phố đó đây
Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em.

19. Giữa anh và em

Anh như người bốn phía mưa rơi
Em bỗng đến và cuộc đời hửng nắng
Giữa hai ta còn muôn vàn im lặng,
Anh vẫn nghe xao động bao lời.
Tưởng con sông đến lúc trôi êm
Mùa Hạ hết và mùa Thu sắp đến
Anh lại thấy lòng mình xao xuyến,
Bởi một cái nhìn xa thẳm của em.
Em biết không giữa anh và em,
Không nói được nhiều hơn là nói được.
Như khi chúng ta nhìn dòng nước,
Giữa thuyền bà bến, giữa bến và thuyền.
Ngày mai kia trong biển động liên hồi,
Anh không thể giữ cả những gì yêu quý nhất.
Nhưng tình anh đối với em không thể mất
Như bao tình yêu chân thật ở trên đời.

20. Lời con đường quê

Từ đấy mình tôi cỏ mọc đầy
Dọc lòng hoa dại ngát hương lây
Tôi ôm đám lúa, quanh nương sắn
Bao cái ao rêu những đục lầy…
Những buổi mai tươi nắng chói xa
Hồn tôi lóng lánh ánh dương sa
Những chiều êm ả tôi thư thái
Như kẻ nông dân trở lại nhà

Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Tế Hanh

Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Tế Hanh

Tiểu sử nhà thơ Tế Hanh

Tế Hanh (1921 – 2009), tên thật là Trần Tế Hanh là một nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến.Ông sinh ngày 20 tháng 6 năm 1921 tại làng Đông Yên, phủ Bình Sơn; nay là xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Cha ông là Trần Tất Tố, làm nghề dạy học và làm thuốc. Ông có bốn anh em, trong đó người em út là nhạc sĩ Trần Thế Bảo.
Thuở nhỏ, ông học ở trường làng, trường huyện. Năm 15 tuổi, ông ra học tại trường Khải Định (tức Quốc Học Huế).
Sẵn tính ham thích thơ, lại được thi sĩ Huy Cận “chỉ vẽ”, nên Tế Hanh bắt đầu sáng tác. Năm 1938, 17 tuổi, ông viết bài thơ đầu tiên: “Những ngày nghỉ học”.
Sau đó, ông tiếp tục sáng tác, rồi tập hợp thành tập thơ Nghẹn ngào. Năm 1939, tập thơ này được giải khuyến khích của Tự Lực văn đoàn.
Năm 1941, Tế Hanh và thơ của ông (“Quê hương”, “Lời con đường quê”, “Vu vơ”, “Ao ước”) được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong cuốn Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942).
Tháng 8 năm 1945, Tế Hanh tham gia Việt Minh, tham gia công tác văn hóa, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng; và là Ủy viên giáo dục trong ủy ban lâm thời thành phố Đà Nẵng, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công,
Từ năm 1949 cho đến năm 1954, ông ở trong Ban phụ trách Chi hội Văn nghệ Liên khu V.
Sau Hiệp định Genève, 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Hội Văn nghệ. Năm 1957, Hội nhà văn Việt Nam thành lập, Tế Hanh tham gia Ban Biên tập tuần báo Văn của Hội, và nhiều năm, ông còn là Ủy viên chấp hành và Ban thường vụ của hội.
Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I
Vào những năm 80, ông bị đau mắt và mắt ông mù dần. Từ đó ông bệnh liệt giường lúc mê lúc tỉnh. Ông qua đời vào lúc 12 giờ ngày 16 tháng 07 năm 2009 tại Hà Nội sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh xuất huyết não .

Tác phẩm chính của nhà thơ Tế Hanh

Nghẹn ngào (1939), 47 bài thơ đã rút bài thơ “Quê hương” sang tập “Hoa Niên”(1945)
Hoa niên (1945)
Tập thơ tìm lại (1945)
Hoa mùa thi (1948)
Nhân dân một lòng (1952)
Gửi miền Bắc (1955)
Lòng miền Nam (1956), 20 bài thơ
Tiếng sóng (1960), 15 bài thơ
Chuyện em bé cười ra đồng tiền (1960) thơ thiếu nhi
Thơ và cuộc sống mới (1961) tập tiểu luận phê bình
Bài thơ tháng bảy (1962)
Những tấm bản đồ (1965) thơ thiếu nhi
Hai nửa yêu thương (1967)
Khúc ca mới (1967), 44 bài thơ
Đi suốt bài ca (1970)
Câu chuyện quê hương (1973)
Thơ viết cho con (1974) thơ thiếu nhi
Theo nhịp tháng ngày (1974)
Giữa những ngày xuân (1976)
Con đường và dòng sông (1980)
Tiếng sáo, tiếng đàn, tiếng hát (1983) thơ thiếu nhi
Bài ca sự sống (1985)
Tuyển tập Tế Hanh, tập I (1987)
Thơ Tế Hanh (1989)
Vườn xưa (1992)
Giữa anh và em (1992)
Em chờ anh (1993)
Tuyển tập Tế Hanh, tập II (1997)
Ngoài thơ, Tế Hanh còn dịch nhiều tác phẩm của các nhà thơ lớn trên thế giới, viết tiểu luận phê bình văn học, thơ thiếu nhi.

Giải thưởng của nhà thơ Tế Hanh

Giải thưởng văn học Tự lực văn đoàn năm 1939.
Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Hội Văn nghệ Liên khu V tặng.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt I (1996)
Trên đây là những thông tin liên quan đến nhà thơ Tế Hanh và nhữn sáng tác nổi tiếng của ông do dean2020.edu.vn đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có thêm những thông tin cần thiết về nhà thơ Tế hanh bạn  nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *