Nhà thơ Bùi Giáng – Những sáng tác hay của nhà thơ Bùi Giáng

Bùi Giáng (17 tháng 12 năm 1926 – 7 tháng 10 năm 1998), là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng… Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa nguồn. Cùng chúng tôi điểm qua những sáng tác nổi tiếng của nhà thơ Bùi Giáng bạn nhé!

Tổng hợp những bài thơ hay của nhà thơ Bùi Giáng

Tổng hợp những bài thơ hay của nhà thơ Bùi Giáng

1. Tình yêu (I)

Yêu nhau nhiều lúc mộng liều
Nhớ nhau quá độ nhớ nhiều như thương
Thương nhau quá độ bình thường
Trở thành quái gỡ mộng trường tịch liêu
Lỗi từ tấm tức xế chiều
Hào quang phụ nữ diễm kiều mà ra
Tại người đâu phải tại ta
Tại người như thế thành ta điên rồ
T.B: Đi tu tâm niệm
Đi tu em nhớ một lời
Đừng bao giờ trở lại đời làm giai nhân
Đừng đẹo đẽ đến vô ngần
Chỉ cần chút đỉnh đẹp tần ngần tu (đi)

2. Gái bờ mương

Kể từ gái lội bờ mương
Quần không ráo nữa suốt đường mai sau
Hào hoa lơ đễnh vẽ màu
Nhớ nhan sắc bỏ quên sầu gái sao?
Gập ghềnh chân thấp chân cao
So làm sao được làm sao so làm?
Kể ra câu chuyện chán nhàm
Mà muôn năm vẫn bao hàm nhân gian
Mùa xuân thu vội gieo vàng
Rớt nhung nhớ hột xuống hàng lạnh xương
Kể chi câu chuyện môi hường
Hôn làm chi gái bờ mương không quần.

3. Lời sơn nữ

Gánh than lên bán chợ Trời
Thiên Thần xúm hỏi: Em người ở đâu?
Thưa rằng: Em ở rất lâu
Trần gian dưới đó dãi dầu liên miên
Bảo rằng: chưa rõ tuổi tên?
Thưa rằng: tên tuổi là Em đây rồi
Nghĩa là Sơn Nữ đó thôi
Hỏi rằng: sao chẳng thấy môi em cười?
Thưa rằng: cười gượng không vui
Nên đành mím miệng một đời cho qua
Hỏi rằng: dưới đó bông hoa
Nở vào mùa Hạ hay là mùa Xuân?
Thưa rằng: cái đó em quên
Vì chưng lo đốt than nên không nhìn
Hỏi rằng: một chút của tin
Muốn trao em giữ, em xin thứ gì?
Thưa rằng: Em chẳng biết chi
Hỏi rằng: Em thích xiêm y không nào?
Thưa rằng: Dày mỏng ra sao?
Bảo rằng: toàn gấm lụa đào nhung hoa
Thưa rằng: chẳng hợp màu da
Toàn thân như hột chà là em đen
Bảo rằng: hãy tắm suối tiên
Một giờ sau Em sẽ đổi đen ra hồng
Thưa rằng: Em có tấm chồng
Yêu màu da cũ kiếu ông em về.

4. Mộng

Hoàng hôn cơn mộng tháp tùng
Từng vô duyên gọi bóng nùng diễm qua
Anh về từ cuối nguyệt hoa
Nhìn em như mộng mị xa xa dần
Em đi sương bóng vô ngần
Nhìn anh như ngó một lần người điên
Về sau ký ức trược phiền
Làm sao quên được thuyền quyên một lần.

5. Chuyện chiêm bao

Bàn chân em bước du dương
Vì em đi lúc gió đương bay về
Đường quanh quẹo lối ven khe
Xuống lên lớp lớp sơn khê dịu dàng
Xuống rừng em bước vào thôn
Viếng thăm thôn nữ thành thân láng giềng
Thôn làng từ thuở đầu tiên
Ước mơ thấy một nàng tiên về làng
Tôi từ khởi bước lang thang
Gặp bao tiên nữ muôn vàn tái lai
Tái sinh rất mực đầu thai
Hỏi tôi có biết một ai ấy là?
Ấy ai rất mực rườm rà
Ấy người ấy ngợm ấy là đười ươi?
Quanh năm rất mực biếng lười
Chờ tôi về tới là vui tưng bừng?
Bảo tôi lập tức theo chân
Dắt tôi đi khắp đường quanh xóm làng
Đường quanh ngõ quẹo âm vang
Chiêm bao mộng tưởng đá vàng đầu tiên
Gặp người thôn nữ Duy Xuyên
(Thôn nương Đại Lộc xe duyên Xuân Đài)
Nàng vội hỏi: – “ấy là ai?
Ồ anh Sáu Giáng! ấy ai nàng là?”

6. Đêm chiêm bao

Màu xanh trút giũ tay vàng
Biển đêm náo động nằm ngang nghe trời
Mộng cuồng nhớ một người thôi
Dọc dừa kiêu hãnh làn môi nhu mỳ
Hình dung chớp nhoáng chân đi
Cầu rung động nhịp sương thì thầm gieo

7. Em đi

Tiền trình vạn lý lênh đênh
Một thân một thể một mình em đi
Anh ngồi bủn rủn tứ chi
Thiên thu muôn thuở thuộc tùy tang thương
Cảo thơm lần giở đoạn trường
Phong tình Cổ Lục khôn lường khảm kha
Em đi vĩnh biệt quê nhà
Em về Vĩnh dạ không nhà không quê
Bài thơ kính tặng ê chề
Từ trong đứt ruột quặt què ngoài ra
(trích tập thơ Như Sương)

8. Đi và về

Em đi từ tỉnh mộng đầu
Hết vui hết khổ hết sầu trăm năm
Cõi nào rất mực xa xăm
Máu tim băng giá bóng tăm mơ màng
Em từ vô tận đá vàng
Về chìm đắm giữa lá vàng thiên thu
Chiều nay có giống chiều nào
Lá vàng rơi rắc tiêu tao lạ lùng
Đắm chìm đắm đuối mông lung
Chiêm bao khắp nẻo tận cùng khắp nơi
Đêm nay mưa gió đầy trời
Buồn vui kỷ niệm bồi hồi đêm nao
Buồn tênh ngôn ngữ thì thào
Xuân đi động đậy mận đào đào nguyên
Còn nguyên phố thị diện tiền
Bình nguyên hậu diện thuyền quyên hội đàm
Em từ vô tận dư vang
Kết chùm cỏ mọc đá vàng thiên thâu
Em đi từ tình mộng đầu
Trùng lai chất vấn biết đâu điệu chào
(trích tập thơ Như Sương)

9. Kể chuyện

Kể lại chuyện rằng năm đã cũ
Đã bao giờ một bận muôn năm
Em nhớ chuyện rằng xưa lỡ dở
Diều đứt dây trẻ cũng cầm bằng.
Kể lại chuyện rằng dù sao nữa
Nguồn xưa sóng lạc nước tiêu dao
Mắt khép mi sầu không lệ nữa
Nhìn nhau bận đó cúi xin chào.
Bốn vó lên đèo truông ải vang
Trùng quan một bận gió lên ngàn
Tiền trình cỏ lạ xông ngây ngất
Con mắt khô rồi ngó ngửa ngang.

10. Huế làm thơ

Tôi vào Sài Gòn lúc đầu
Thật là bỡ ngỡ mối sầu Thừa Thiên
Rồi sau đó thật tuy nhiên
Quen vui với chị thuộc phiền với em
Bây giờ tôi nhớ Thừa Thiên
Nhớ thôi chút ít chứ phiền thì không
Mỗi mùa xuân lá trổ bông
Quên tờ cung chúc cũng không hề gì
(Chiến tranh nghĩ cũng ly kỳ
Những thằng thi sĩ còn kỳ ly hơn)

11. Chào thu lục tỉnh

Trời thu dựng mây thu trời gió thổi
Trời thu vang em đứng đó nghe không
Con én liệng mùa xưa xuân nghẽn lối
Tâm tình em bối rối lệ lên hồng
Thu đô thị đã mây lần lừa phỉnh
Em cùng ta về Lục Tỉnh nghe không
Để nhớ lại lần xưa em đã định
Cùng ta đi ngó cỏ nội hoa hồng
Đây Mỹ Tho Cần Thơ Châu Đốc
Long Xuyên ơi và Sa Đéc em ơi
Trời kỷ niệm đi về trong đáy mắt
Thổi dư vang từ dĩ vãng xa vời
Thổi trăng núi từ Trường Sơn heo hút
Đèo Hải Vân con nai lạc trong sương
Con nai ấy xưa là “nai cao gót”
Em nhớ không trời đất vẫn như dường…
Ta dựng lại trời xuân trong chốc lát
Với thu mây mù xao xuyến nước xanh
Với ký ức của một thời ngan ngát
Em nhớ không? em quên vội sao đành
Chào Lục Tỉnh thu về xuân nức nở
Ở trong cây trong lá ở bên sông
Giòng nước chậm chần chờ con sóng chở
Còn không em? kỷ niệm ở bên lòng

12. Vẫn là là

Dấu bèo phong vận nín thinh
Sóng phơi trường mộng bình minh vô thường
Nắng hồng chiếu bóng đài gương
Lời nghi hoặc hỏi đoạn trường từ đâu
Nối đuôi khởi sự từ đầu
Ví dù kết thúc trước sau vẫn là.

13. Chiều hôm phố thị

Chiều hôm phố thị
Em ngồi đếm lá bay chơi
Đèn khuya phố thị
Sao xưa sáng ở trên đồi cây rung
Những lời cũ kỹ
Một trời thu để nhớ nhung
Chuyện đời giản dị
Chiêm bao tay nắm vô cùng ngón tay
Chuyện đời có thế
Nỗi đời em có nhớ không
Em về đây để
Hồng nhan em hẹn hái bông cho đời
Một lần em lại bên người
Giữa ngày tháng bỏ năm trôi bên giòng
Mở hai hàng cỏ long đong
Mở hai môi mở tấm lòng xa xôi
Chiều hôm đếm lá cây rơi
Bên đèn phố thị thương đồi núi xa.

14. Hận

Những giòng thơ nối giòng đi rất xiết
Đã trở về mấy bận với trang buông
Người ngồi đây ngó mây trôi biền biệt
Lơ thơ bay loáng thoáng cánh chuồn chuồn
Trời đất lạnh và lòng anh không thỏa
Gửi hồn đi phương hướng hút heo ngàn
Hồn ngơ ngác loay hoay về hỏi dạ
Có bao giờ dạ thỏa giữa không gian
Tờ giấy mỏng mấy lần không chiu nổi
Những hình ma quái ác anh vẽ lên
Sương với bóng bay về trên cỏ nội
Bủa mịt mờ ảo mộng lạnh bốn bên
Lệ đã chảy ròng ròng rớt xuống
Với xuân về oanh yến rộn bên tai
Em quốc sắc em thiên hương đã uổng
Làm sao khuây khỏa hận của thiên tài

15. Mắt buồn

Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Âm trang sử lịch thu triền miên trôi
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con

16. Tặng bạn

Bước chân giẫm sỏi trên đồi
Những thân đau khổ những đời rã riêng
Những niềm vô hạn bỏ quên
Những lời không nói gió lên sai giòng
Bờ xanh lúa trổ đòng đòng
Bỏ quên nức nở bông hường lệ rơi
Người đi bỏ lại giữa người
Tiếng vang ngần ấy rạc rời vọng âm
Trang hồng trang sử lịch trang
Thu hồi viễn vọng vô ngần nghiệt ma
Bây giờ điệu cũ bay xa
Nguồn trôi nước bạc đổ ra vô cùng.

17. Thiếu phụ trở về

Non hồng chiều vọng chân mây
Sương chừng lãng đăng rơi đầy tuổi thơ
Lá cồn thu lạc bao giờ
Hồn trong sóng phượng chia bờ trường giang
Khuya thôi về lạnh phố phường
Ôi buồn khổ lại như càng theo nhau
Một bờ dương xếp bến sau
Nước cằn cỗi đục nghe đau lá vườn
Em về nghe động trong xương
Hồn xưa con dế lên đường viễn du
Bỏ thương lại ở sau mù
Cây mùa đắng trái bù dù tim xanh
Nửa đời bê bối thân anh
Một miền đi khuất trong thanh âm nào

18. Em mọi điên

Một tiếng hát giữa rừng hô hấp
Chết trăm năm ẩn nấp khung đời
Trời ma đất quỷ hai nơi
Em điên từ bữa ra đời em điên
Beo và cọp trước tiên chạy trốn
Vượn đìu hiu nhìn lộn cây hoa
Em về giũ áo mù sa
Tiền trình vạn lý anh là đười ươi.

19. Kỷ niệm chín suối

Mùa hè tương đối chịu được
Ba mùa kia
Nhất là mùa Đông
Lạnh lẽo quá mức chịu đựng
Không còn đâu sức lực làm thơ
Nhà xuất bản đóng cửa
Im ỉm suốt bốn mùa
Ôi Chín Suối!

20. Lời người điên

Chúng tôi người ngợm vô thường
Lúc mê man lúc chán chường thể thân
Các em gắng gổ đôi phần
Đừng quên uống rượu lần khân sinh bình
Dịu dàng sống giữa gia đình
Ngày ngày tháng tháng hậu tình năm năm
Trái tim nguyệt tỏ đêm rằm
Máu me mây gió tơ tằm vấn vương
Ở đời kiệt tận xẩu xương
Hình hài biến thể thân mường tượng thân

21. Mộng

Hoàng hôn cơn mộng tháp tùng
Từng vô duyên gọi bóng nùng diễm qua
Anh về từ cuối nguyệt hoa
Nhìn em như mộng mị xa xa dần
Em đi sương bóng vô ngần
Nhìn anh như ngó một lần người điên
Về sau ký ức trược phiền
Làm sao quên được thuyền quyên một lần.

22. Một hai năm

Tặng gà vịt một năm sương tuyết
Vịt gà xin ráo riết hai năm
Ngồi suông nhớ mãi đêm rằm
Văn thừa bích lạc nguyệt cầm tiểu man
Đêm mộng mị về hang núi lạnh
Nhìn gấu beo bên cạnh hùm thiêng
Sịch mành trở giấc u miên
Muôn vàn brigitte nằm nghiêng nghiêng cười.

23. Ông điên

Ông điên từ bữa hôm qua
Tới hôm nay nữa gọi là ba hôm
Thanh thiên về dự hội đàm
Thành thân thiên hạ muôn vàn mai sau
* * *
Ông điên từ một lần đầu
Tới lần đuôi đứt ruột rầu rĩ đau
Tuyệt mù biển cạn sông sâu
Bụi hồng tản mác trước sau bây giờ.
1996

24. Ở trong rừng

Đây là ở trong rừng
Chẳng có con ma nào ngó thấy đâu
Xin Hoàng Hậu
Hãy cởi áo quần ra tắm khe nước
Có con ma nào đâu mà sợ
Sao Hoàng Hậu thẹn đỏ mặt?
Có tôi?
Nhưng tôi đâu phải là con ma

25. Riêng mình

Mặc người
mưa Sở mây Tần
Riêng mình gìn giữ
một lần đầu tiên
Thưa em! chín nẻo
thuyền quyên
Chờ em chín chục
thiều nhiên quang nhòa.

26.  Thưa cô nương

Tại hạ ra biển
Phen này lần ấy
Ðể nhìn cô nương tắm
Lúc bấy giờ bỗng dưng
Tâm hồn tại hạ biến ra
Làm nước biển
Vậy xin cô nương dừng ngay cuộc tắm
Kẻo mà đau đớn tâm hồn tại hạ vô cùng.

27. Áo xanh

Lên mù sương xuống mù sương
Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu
Tuổi thơ em có buồn nhiều
Hãy xin cứ để bóng chiều bay qua
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh

28. Hang rừng

Mù sa thấp rừng nai xưa lỡ hẹn
Xuống thôn làng ngó lá rụng ven khe
Mùa tháng chạp chim trời xa lỡ hẹn
Với sông thu từ một buổi bay về
Làn sóng đục lần kia nghe gió lạ
Lạnh vô cùng thổi lại tự phương tây
Đêm khuya khoắt ai một mình em ạ
Đứng trên bờ nghe rã mộng trong tay
Lời ước nguyện tuổi thơ cùng một lúc
Với mây xanh với gió biếc trời tròn
Với sông trắng chảy quành qua mấy khúc
Để bên giòng giờ tấc dạ chon von
Trời bấn loạn bóng đèo xa đi khuất
Lá âm u đường lấp ở sau lưng
Nguồn thác đổ bên bụi mờ lây lất
Xuống thiên thu sầu hận khóc hang rừng

29. Hoàng hậu

Ngập ngừng trong bóng nhặt thưa
Ảnh hình Hoàng Hậu năm xưa lại về
Thùy dương xanh mái tơ thề
Quanh Trường Thành dựng ngọc kề trắng vai
Ngàn thu xuống lá thu bay
Buồn tiêu tao để bên ngày tháng đi
Tràng giang sóng cát li ti
Xô dồn tiết điệu lên vì hoa dung
Vì em phiền mộng sương ngần
Cỏ Yên tơ bích đâu Tần gục cong
Sầu kim hải sóng phiêu bồng
Giòng thơ ngây lệ em ròng ròng tuôn
Dập dìu bên liễu chùng buông
Tình chưa thoảng chợt tiếng buồn lại dâng

Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Bùi Giáng

Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Bùi Giáng
Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Cha ông là Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con đầu của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiền, nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.
Năm 1933, ông bắt đầu đi học tại trường làng Thanh Châu.
Năm 1936, ông học trường Bảo An (Điện Bàn) với thầy Lê Trí Viễn.
Năm 1939, ông ra Huế học tư tại Trường trung học Thuận Hóa. Trong số thầy dạy ông có Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Đào Duy Anh.
Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành chung.
Năm 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ đội Công binh.
Năm 1950, ông thi đỗ tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để tiếp tục học. Từ Quảng Nam phải đi bộ theo đường núi hơn một tháng rưỡi, nhưng khi đến nơi, thì ông quyết định bỏ học để quay ngược trở về quê, để đi chăn bò trên vùng rừng núi Trung Phước.
Năm 1952, ông trở ra Huế thi tú tài 2 ban Văn chương. Thi đỗ, ông vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa. Tuy nhiên, theo T. Khuê thì sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy lại, ông quyết định chấm dứt việc học và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục.
Năm 1965, nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của ông.
Năm 1969, ông “bắt đầu điên rực rỡ” (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông “lang thang du hành Lục tỉnh” (chữ của Bùi Giáng), trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc.
Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn. Thi sĩ Bùi Giáng mất lúc 2 giờ chiều ngày 7 tháng 10 năm 1998, sau một cơn tai biến mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh, tức Sài Gòn cũ) sau những năm tháng sống “điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang” (chữ của Bùi Giáng). Ông được chôn cất tại nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức.

Tác phẩm  của nhà thơ Bùi Giáng

Theo thống kê chưa đầy đủ, tác phẩm của Bùi Giáng có (tạm phân theo thể loại):
Tập thơ
Mưa nguồn (1962), 140 bài thơ
Lá hoa cồn (1963), 46 bài thơ
Màu hoa trên ngàn (1963)
Ngàn thu rớt hột (1963)
Bài ca quần đảo (1963), 33 bài thơ
Sa mạc trường ca (1963)
Sa mạc phát tiết (1969)
Mưa nguồn hòa âm (1973), 40 bài thơ
Mùi Hương Xuân Sắc (1987)
Thơ Bùi Giáng (1994)
Rong rêu (1995), 18 bài thơ
Bèo mây bờ bến (1996), 12 bài thơ
Đêm ngắm trăng (1997), 108 bài thơ
Như sương (1998), 73 bài thơ
Mười hai con mắt (2001), 38 bài thơ
Thơ vô tận vui (2005)
Mùa màng tháng tư (2007)
Nhận định
Nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan (1957)
Nhận xét về Lục Vân Tiên (1957)
Nhận xét về Chinh phụ ngâm và Quan Âm Thị Kính.
Nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần (1957)
Giảng luận
Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Giảng luận về Chu Mạnh Trinh
Giảng luận về Tôn Thọ Tường
Giảng luận về Phan Văn Trị
Tất cả đều được xuất bản năm 1957 – 1959.
Triết học
Tư tưởng hiện đại (1962)
Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại I và II (1963)
Sao gọi là không có triết học Heidgger? (1963)
Dialoque (viết chung, 1965)
Tạp văn
Các sách xuất bản năm 1969, có:.
Đi vào cõi thơ
Thi ca tư tưởng
Sa mạc phát tiết
Sương bình nguyên
Trên đây là những bài thơ hay của nhà thơ Bùi Giáng và đôi nét về tiểu sử nhà thơ do dean2020.edu.vn đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm những thông tin cần thiết về nhà thơ Bùi Giáng bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *