Thơ Hồ Chí Minh – Những Bài Thơ Hay Nhất của Bác Hồ kính yêu

Những bài thơ Hồ Chí Minh không chỉ là những dòng thơ, mà là nhịp đập của một tâm hồn đong đầy tình yêu quê hương, cuộc sống và con người. Trong những từng câu thơ, Bác đã lồng ghép những cảm xúc, tâm tư và khát vọng của một người lính, một người lãnh đạo, và một người thầy. Bài viết này sẽ tổng hợp những tinh hoa văn học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để chúng ta cùng nhìn vào tinh thần lãnh đạo và tri thức vĩ đại của ông, đong đầy sức mạnh tạo nên một Việt Nam độc lập và tự do.

Hồ Chí Minh (19 tháng 5 năm 1890 – 2 tháng 9 năm 1969), tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, là nhà cách mạng, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam trong thế kỷ XX, một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Ông là người viết và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian 1945–1969, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong thời gian 1951–1969. Bên cạnh đó, người cũng là một nhà thơ rất tài ba và để lại cho đời rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, Cùng chúng tôi điểm qua một số những tác phẩm nổi tiếng của bác Hồ kính yêu nhé!

Tổng hợp những bài thơ nổi tiếng của bác Hồ

Tổng hợp những bài thơ nổi tiếng của bác Hồ

1. Cảnh rừng pác bó

Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.

2. Bài ca Trần Hưng Đạo

… Diên Hồng thề trước thánh minh
Lòng dân đã quyết hy sinh rành rành
Nếu ai muốn đến giành đất Việt
Đưa dân ta ra giết sạch trơn
Một người Việt hãy đương còn
Thì non sông Việt vẫn non sông nhà…
1928

3. Ai sang Niu Yoóc mà coi

Ai sang Niu Yoóc mà coi
“Tự do” nắm đuốc mà soi Hoa Kỳ
Tự do soi thấy những gì?
Bên thì nô lệ, bên thì dã man!

4. Bài ca du kích

Ào, ào, ào…
Ào, ào, ào…
Già nào,
Trẻ nào,
Lính nào,
Dân nào,
Đàn ông nào,
Đàn bà nào!
Kẻ có súng dùng súng,
Kẻ có dao dùng dao;
Kẻ có cuốc dùng cuốc,
Người có cào dùng cào,
Thấy Tây cứ chém phứa,
Thấy Nhật cứ chặt nhào.

Chúng nhiều là mấy vạn,
Mình mấy triệu đồng bào.
Chúng đường xa mỏi mệt,
Mình “dĩ dật đãi lao”.
Làm cho chúng mòn mỏi,
Làm cho chúng tiêu hao.
Chúng nhất định thất bại
Mình sức càng dồi dào.
Ào, ào, ào…
Ào, ào, ào…
Du kích ngày càng mạnh,
Du kích ngày càng cao.
Ào, ào, ào…
Ào, ào, ào…

1942

5. Bài thơ cổ động

Mười hai điều trên
Ai chả làm được,
Hễ người yêu nước,
Nhất quyết không quên.
Tập thành thói quen,
Muôn người như một.
Quân tốt dân tốt,
Muôn sự đều nên.
Gốc có vững, cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.

6. Bảy mươi tư tuổi vẫn không già

Bảy mươi tư tuổi vẫn không già
Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta
Bao giờ Nam Bắc một nhà
Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng.
Tháng 6 năm 1964

7. Bấy lâu mơ ngủ mãi chưa thôi

Bấy lâu mơ ngủ mãi chưa thôi
Cách mệnh ồn ào khắp mọi nơi
Này trống Văn minh khua dậy đất
Kìa chuông Độc lập gõ vang giời

8. Ca binh lính

Hai tay cầm khẩu súng dài,
Nhắm đi nhắm lại, bắn ai thế này?
Bắn vào quân Nhật, quân Tây,
Lũ cướp nước, lũ đoạ đày dân ta,
Lũ không yêu trẻ, kính già,
Lũ cướp đất, lũ đốt nhà xôn xao,
Lũ đòi sưu nặng, thuế cao,
Lũ đi vơ vét đồng bào Việt Nam.
Bắn được chúng, chết cũng cam,
Vì mình dù chết, nước Nam vẫn còn!
Hay vì chút lợi cỏn con,
Cái bằng cửu phẩm, cái lon đội nhì,
Nhắm vào cách mạng bắn đi,
Quản chi nhân nghĩa, quản chi giống nòi!
Anh em binh lính ta ơi!
Chúng ta cùng giống, cùng nòi Việt Nam;
Việc chi lợi nước thì làm,
Cứu dân cứu quốc há cam kém người!
Trong tay đã sẵn súng này,
Quyết quay đánh Nhật, đánh Tây mới đành.
Tiếng thơm sẽ tạc sử xanh:
“Việt binh cứu quốc” rạng danh muôn đời!

9. Ca đội tự vệ

I
Gươm dao ta
Đem mài đi
Mài cho bén
Mài cho sắc
Nhật ta đâm
Tây ta chặt.
II
Sắp hàng ra
Xung phong lên
Người ta đông
Sức ta bền
Việc giải phóng
Nhất định nên.

10. Ca sợi chỉ

Mẹ tôi là một đoá hoa,
Thân tôi trong sạch, tôi là cái bông.
Xưa tôi yếu ớt vô cùng,
Ai vò cũng đứt, ai rung cũng rời.
Khi tôi đã thành chỉ rồi,
Cũng còn yếu lắm, ăn ngồi không ngon,
Mạnh gì sợi chỉ con con,
Khôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng!
Càng dài lại càng mỏng manh,
Thế gian ai sợ chi anh chỉ xoàng!
Nhờ tôi có nhiều đồng bang,
Họp nhau sợi dọc, sợi ngang rất nhiều.
Dệt nên tấm vải mỹ miều,
Đã bền hơn lụa, lại điều hơn da.
Đố ai bứt xé cho ra,
Đó là lực lượng, đó là vẻ vang.
      *
Hỡi ai con cháu Hồng Bàng,
Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau.
Yêu nhau xin nhớ lời nhau,
Việt Minh hội ấy mau mau phải vào.

11. Cảm hứng

Kìa bãi cát, nọ rừng thông
Nước nước, non non, khéo một vùng
Đang đợi nàng thơ cùng bạn vẽ
Đến chơi cảnh núi với tình sông
Tay đàn, cặp sách, ông đầu bạc
Hồ rượu, xâu nem, ả má hồng
Được phép ngao du cùng tuế nguyệt
Vì rằng kháng chiến đã thành công

12. Cảnh khuya

Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Năm 1947

13. Cảnh rừng Việt Bắc

Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày,
Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén thịt rừng quay,
Non xanh, nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.
Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.
Năm 1947

14. Chơi giăng

Gặp tuần trăng sáng, dạo chơi giăng,
Sẵn nhắn vài câu hỏi chị Hằng:
“Non nước tơi bời sao vậy nhỉ?
Nhân dân cực khổ biết hay chăng?
Khi nào kéo được quân anh dũng,
Để dẹp cho tàn bọn nhố nhăng?
Nam Việt bao giờ thì giải phóng
Nói cho nghe thử, hỡi cô Hằng?”.
            *
Nguyệt rằng: “Tôi kính trả lời ông:
Tôi đã từng soi khắp núi sông,
Muốn biết tự do chầy hay chóng,
Thì xem tổ chức khắp hay không.
Nước nhà giành lại nhờ tài sắt,
Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng.
Tổ chức, tuyên truyền càng rộng rãi,
Tức là cách mệnh chóng thành công”.

15. Con cái và tổ ông

Tổ ong lủng lẳng trên cành,
Trong đầy mật nhộng, ngon lành lắm thay!
Cáo già nhè nhẹ lên cây,
Định rằng lấy được ăn ngay cho dòn.
Ong thấy cáo muốn cướp con,
Kéo nhau xúm lại vây tròn cáo ta.
Châm đầu, châm mắt cáo già,
Cáo già đau quá phải sa xuống rồi.
        *
Ong kia yêu giống, yêu nòi,
Đồng tâm, hợp lực đuổi loài cáo đi.
Bây giờ ta thử so bì,
Ong còn đoàn kết, huống chi là người!
Nhật, Tây áp bức giống nòi,
Ta nên đoàn kết để đòi tự do.

16. Công nhân

Thành ai đắp, lầu ai xây?
Tàu kia ai đóng, than đây ai sàng?
Bao nhiêu của cải kho tàng,
Ai đào bạc, ai luyện vàng mà nên?
Công nhân sức mạnh nghề quen,
Làm ra của cải cho thiên hạ nhờ.
Mà mình quần rách áo xơ,
Tiền công thì bớt mà giờ thì thêm.
Lại còn đánh chửi tần phiền,
Cúp lương tháng trước, phạt tiền hôm qua.
Càng nghĩ lại, càng xót xa,
Vì ta mất nước, mà ta phải hèn
Để cho Pháp, Nhật lộng quyền,
Thẳng tay bóc lột thợ thuyền nước ta!
Thợ thuyền ta phải đứng ra,
Trước ta cứu nước, sau ta cứu mình.
Cùng nhau vào hội Việt Minh,
Ra tay tranh đấu hy sinh mới là.
Bao giờ khôi phục nước nhà,
Của ta ta giữ, công ta ta làm.

17. Gửi các cháu miền Nam

Bắc Nam sẽ sum họp một nhà,
Bác cháu ta gặp mặt; trẻ già vui chung.
Nhớ thương các cháu vô cùng,
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi.

18. Gửi nông dân

Ruộng rẫy là chiến trường
Cuốc cày là vũ khí
Nhà nông là chiến sĩ
Hậu phương thi đua với tiền phương.

19. Gửi bộ chính trị

Thời giờ đi chóng tựa đưa thoi,
Thấm thoắt xa nhà một tháng rồi.
Nghìn dặm vui nghe tin thắng lợi,
Một mình nằm tính việc xa xôi.

20. Kiều bào yêu nước

Gửi thân đất khách quê người,
Nhìn về cố quốc cách vời trùng dương
Càng nhìn càng nhớ, càng thương,
Càng mong Tổ quốc thịnh cường vẻ vang,
Càng căm những kẻ gian ngoan
Nghe lời bọn Mỹ phá ngang hoà bình.
Mọi người đoàn kết đấu tranh,
Đòi Ngô Đình Diệm tán thành hiệp thương.
Hoà bình, thống nhất, độc lập, tự cường,
Sao vàng cờ đỏ dẫn đường chúng ta.
Mấy câu thuận miệng nôm na:
“Một lòng yêu nước bài ca kiều bào’’.

21. Phụ nữ

Việt Nam phụ nữ đời đời
Nhiều người vì nước, vì nòi hy sinh.
Ngàn thu rạng tiếng bà Trưng,
Ra tay cứu nước, cứu dân đến cùng.
Bà Triệu Ẩu thật anh hùng,
Cưỡi voi đánh giặc, vẫy vùng bốn phương.
Mấy năm cách mệnh khẩn trương,
Chị em phụ nữ thường thường tham gia.
Mấy phen tranh đấu xông pha,
Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai?
Kìa như chị Nguyễn Minh Khai
Bị làm án tử đến hai ba lần.
Bây giờ cơ hội đã gần,
Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân nước nhà.
Chị em cả trẻ đến già
Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh.
Đua nhau vào hội Việt Minh
Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.
Làm cho thiên hạ biết tên
Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng.

22. Thăm lại hang Pác Bó

Hai mươi năm trước ở hang này
Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây
Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu
Non sông gấm vóc có ngày nay.

23. Nông dân đoàn kết

Nông dân đoàn kết, cả nước một nhà,
Đủ cả dân tộc, đủ cả trẻ già;
Ai cũng cố gắng thi đua tăng gia,
Kế hoạch nông nghiệp chắc là thành công.

24. Nhóm lửa

Lúc leo lét bắt đầu nhóm lửa,
Biết bao nhiêu là sự khó khăn?
Chỉ đìu hiu một mảy gió xuân,
Cũng lo sợ lửa khi tắt mất.
Nghi ngút khói, mặc dầu thổi quạt,
Che một bên lại tạt một bên,
Khi lửa đà chắc chắn bén lên,
Thì mưa gió, chi chi cũng cháy.
Mưa lún phún, lửa càng nóng nảy,
Gió càng cao, ngọn lửa càng cao.
Núi rừng đều bén, cháy ào ào,
Lửa nung đỏ, cả giời sáng toé.
Việc cách mạng cũng là như thế,
Bước ban đầu là bước gian nan.
Nào đế quốc, mật thám, bọn quan,
Đều là lũ ra tay phá hoại.
Hở một chút, tức là thất bại,
Sai một ly là hại cho dân.
Song khi cách mạng đã vững chân,
Sẽ ồ ạt lan tràn khắp xứ,
Sẽ vùn vụt như toà núi lửa,
Sẽ rầm rầm như ngọn thuỷ trào,
Sẽ kéo theo tất cả đồng bào,
Sẽ đè bẹp cả loài lang sói.
Lửa cách mạng sáng choang bờ cõi,
Chiếu lá cờ độc lập, tự do!

25. Sáu mươi tuổi

Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,
So với ông Bành vẫn thiếu niên.
Ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ,
Trần mà như thế kém gì tiên!

Đôi nét về tiểu sử Hồ Chí Minh

Đôi nét về tiểu sử Hồ Chí Minh
Theo nhiều tài liệu chính thống cũng như tiểu sử tại Việt Nam, tên lúc nhỏ của Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Cung (giọng địa phương phát âm là Côông), tự là Tất Thành. Tuy nhiên, một số tài liệu ghi nhận tên lúc nhỏ của ông là Nguyễn Sinh Côn. Điều này cũng được chính ông xác nhận bằng chính bút tích của mình trong một bài viết năm 1954. Quê nội ông là làng Kim Liên (tên Nôm là làng Sen). Nguyễn Sinh Cung được sinh ra ở quê ngoại là làng Hoàng Trù (tên Nôm là làng Chùa (Hoàng Trù), nằm cách làng Sen khoảng 2 km) và sống ở đây cho đến năm 1895. Hai làng này vốn cùng nằm trong xã Chung Cự, thuộc tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn. Quê nội của ông, làng Kim Liên là một làng quê nghèo khó. Phần lớn dân chúng không có ruộng, phải làm thuê cấy rẽ, mặc quần ít, đóng khố nhiều, bởi thế nên làng này còn có tên là làng Đai Khố. Vào đời ông, phần lớn dòng họ của ông đều cơ hàn, kiếm sống bằng nghề làm thuê, và cũng có người tham gia các hoạt động chống Pháp.
Cha của Nguyễn Sinh Cung là một nhà Nho tên là Nguyễn Sinh Sắc (1862–1929), từng đỗ Phó bảng. Mẹ ông là bà Hoàng Thị Loan (1868–1901). Nguyễn Sinh Cung có một người chị là Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1884), một người anh là Nguyễn Sinh Khiêm (sinh năm 1888, tự Tất Đạt, còn gọi là Cả Khiêm) và một người em trai mất sớm là Nguyễn Sinh Nhuận (1900–1901, tên khi mới lọt lòng là Xin).

Những sáng tác của Hồ Chí Minh

Bài chi tiết: Tuyên ngôn độc lập (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)

Tuyên ngôn Độc lập. Trong các tác phẩm của ông, có thể nói bản Tuyên ngôn Độc lập do ông biên soạn là có tiếng vang nhất và được sánh vai cùng các bản Tuyên ngôn Độc lập trong lịch sử Việt Nam như Bài thơ Thần Nam quốc Sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt) và Bình Ngô đại cáo (của Nguyễn Trãi).
Bản án chế độ thực dân Pháp (1925).
Đường kách mệnh (1927).
Con rồng tre (1922, kịch, đả kích vua Khải Định).
Các truyện ngắn: Pari (1922, Nhân đạo), Lời than vãn của bà Trưng trắc (1922, Nhân đạo), Con người biết mùi hun khói (1922, Nhân đạo), Vi hành (1923, Nhân đạo), Đoàn kết giai cấp (1924, Người cùng khổ), Con rùa (1925, Người cùng khổ), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925, Người cùng khổ).
Nhật ký trong tù (1942, thơ).
Sửa đổi lối làm việc (1947).
Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (bút danh Trần Dân Tiên)
Vừa đi đường vừa kể chuyện (bút danh T. Lan. Trong cuốn sách này, Hồ Chí Minh hóa thân thành một cán bộ trong đoàn tùy tùng (T. Lan), đi công tác cùng với Hồ Chí Minh trong rừng núi Việt Bắc và được Hồ Chí Minh vui miệng kể cho nghe nhiều chuyện.
Di chúc Hồ Chí Minh

Những danh hiệu Hồ Chí Minh đạt được

UNESCO và Nghị quyết kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Hồ Chí MinhUNESCO và Nghị quyết kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Hồ Chí Minh

Ngày sinh nhật lần thứ 100 của Hồ Chí Minh được đoàn Việt Nam đề cử UNESCO đưa vào Lịch kỷ niệm các nhân cách vĩ đại và các sự kiện lịch sử (sau đây gọi tắt là Lịch kỷ niệm) năm 1990–1991. Đề nghị của đoàn Việt Nam đã được chép nguyên văn trong văn kiện kỳ họp Đại Hội đồng 24 từ 20 tháng 10 – 20 tháng 11 năm 1987 ở Paris, tại tiểu mục 18.65, mục 18.6 về việc lập Lịch kỷ niệm năm 1990–1991.

Các bình chọn của Tuần báo Time

Tuần báo TIME của Hoa Kỳ bình chọn Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX. Danh sách này đã gây ra nhiều tranh cãi, vì tiêu chí của Time chỉ dựa trên tầm ảnh hưởng, bất kể tốt hay xấu (Adolf Hitler và Benito Mussolini cũng có tên trong danh sách này). Tờ Time 2000 đã nhận định ông là người đã góp phần “làm thay đổi diện mạo hành tinh chúng ta trong thế kỷ XX”. Ngày 15 tháng 10 năm 2010, báo Time cũng đã bầu chọn Hồ Chí Minh là một trong 10 tù nhân chính trị nổi bật chiến đấu cho tự do nổi tiếng nhất mọi thời đại cùng với Aung San Suu Kyi, Nelson Mandela, Martin Luther King Jr., Mohandas Gandhi…

Trên đây là một số thông tin liên quan đến sự nghiệp sáng tác cũng như đôi nét về tiểu sử Hồ Chí Minh do dean2020.edu.vn đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hơn về sự nghiệp sáng tác của Hồ Chí Minh bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *