Nhà thơ Xuân Quỳnh – Những áng thơ tình yêu vang danh một thời

Xuân Quỳnh (1942-1988) tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, vốn là diễn viên múa từ năm 13 tuổi, có thơ đăng báo năm 19 tuổi, trở thành nhà thơ chuyên nghiệp sau khi qua lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ khoá đầu tiên của Hội Nhà Văn Việt Nam (1962-1964). Xuân Quỳnh được coi là nhà thơ nữ hàng đầu của nửa cuối thế kỷ 20. Hãy cùng chúng tôi đọc qua những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà thơ này qua bài viết dưới đây các bạn nhé!

 Tổng hợp những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Xuân Quỳnh

Tổng hợp những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Xuân Quỳnh

1, Tự Hát

Chả dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em, anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay
Em cũng không mong nó giống mặt trời
Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em
Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin
Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu
Mùa thu nay sao bão giông nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh
Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn
Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi

2, Sóng

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ

3, Thuyền Và Biển

Em sẽ kể anh nghe
Chuyện con thuyền và biển:
“Từ ngày nào chẳng biết
Thuyền nghe lời biển khơi
Cánh hải âu, sóng biếc
Đưa thuyền đi muôn nơi
Lòng thuyền nhiều khát vọng
Và tình biển bao la
Thuyền đi hoài không mỏi
Biển vẫn xa… còn xa
Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ
Thầm thì gửi tâm tư
Quanh mạn thuyền sóng vỗ
Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên?)
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau – rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió“
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố

4, Hoa Cỏ May

Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ,
Không gian xao xuyến chuyển sang mùa.
Tên mình ai gọi sau vòm lá,
Lối cũ em về nay đã thu.
Mây trắng bay đi cùng với gió,
Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ.
Đắng cay gửi lại bao mùa cũ,
Thơ viết đôi dòng theo gió xa.
Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm đầy
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói,
Ai biết lòng anh có đổi thay?

5, Nói Cùng Anh

Em biết đấy là điều đã cũ
Chuyện tình yêu, quan trọng gì đâu:
Sự gắn bó giữa hai người xa lạ
Nỗi vui buồn đem chia sẻ cùng nhau
Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn
Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi
Niềm đau đớn tưởng như vô tận
Bỗng có ngày thay thế một niềm vui
Điều hôm nay ta nói, ngày mai
Người khác lại nói lời yêu thuở trước
Đời sống chẳng vô cùng, em biết
Câu thơ đâu còn mãi ngày sau
Chẳng có gì quan trọng lắm đâu
Như không khí như màu xanh lá cỏ
Nhiều đến mức tưởng như chẳng có
Trước cuộc đời rộng lớn mênh mang
Nhưng lúc này anh ở bên em
Niềm vui sướng trong ta là có thật
Như chiếc áo trên tường như trang sách
Như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà
Em hiểu rằng mỗi lúc đi xa
Tình anh đối với em là xứ sở
Là bóng rợp trên con đường nắng lửa
Trái cây thơm trên miền đất khô cằn
Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh:
Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng
Lòng tốt để duy trì sự sống
Cho con người thực sự Người hơn

6, Thơ Tình Cuối Mùa Thu

Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả:
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má
Hơi lạnh qua bàn tay
Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa gió bão
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ
Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại…
– Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may

7, Dẫu Em Biết Chắc Rằng Anh Trở Lại

Thị trấn nào anh đến chiều nay
Mảnh tường vắng, mùa đông giá rét
Dẫu em biết không phải là vĩnh biệt
Vẫn thấy lòng da diết lúc chia xa
Xóm làng nào anh sẽ đi qua
Những đồng lúa, vườn cây, bờ bãi…
Dẫu em biết rằng anh trở lại
Ngọn gió buồn vẫn thổi phía không anh.
Thời gian trôi theo cánh cửa một mình
Hạt mưa bụi rơi thầm trên mái ngói
Tờ lịch mỏng bay theo lòng ngóng đợi
Một con đường vời vợi núi cùng sông
Gọi ngàn lần tên anh vẫn là không
Chỉ lá rụng dạt dào lối phố
Dẫu em biết rằng anh, anh cũng nhớ.
Nhưng lòng em nào có lúc nguôi quên.

8, Mẹ Của Anh

Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ, không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh, mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Lời ru mẹ hát thuở nào
Truyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh:
Nào là hoa bưởi, hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa…
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắt chiu tự những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em

9, Tháng Năm

Giấc ngủ vừa chợp qua
Nắng đã về trước cửa
Đêm ngắn: phút gần nhau
Ngày dài như nỗi nhớ
Nước sôi ngầu bọt thau
Luộc mình con cá nhỏ
Con cua chín vàng mai
Ẩn vào trong cụm lúa
Cỏ dại không người che
Rã rời mang sắc úa…
Nhưng hãy nghe hãy nghe
Trên những cành phượng đỏ
Trong những đầm sen mở
Hương tháng năm lan xa
Mầu tháng năm rực rỡ
Tơ trời giăng ngoài sân
Cây bàng xoè trước ngõ
Đêm xanh vời trăng sao
Con ve vàng lột vỏ
Con chim tha rác về
Tháng năm – mùa sinh nở
Tình yêu như tháng năm
Mang gió nồng nắng lửa
Lòng anh là đầm sen
Hay là nhành cỏ úa?

10, Chuyện Cổ Tích Về Loài Người

Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ
Mặt trời cũng chưa có
Chỉ toàn là bóng đêm
Không khí chỉ màu đen
Chưa có màu sắc khác
***
Mắt trẻ con sáng lắm
Nhưng chưa thấy gì đâu!
Mặt trời mới nhô cao
Cho trẻ con nhìn rõ
Màu xanh bắt đầu cỏ
Màu xanh bắt đầu cây
Cây cao bằng gang tay
Lá cỏ bằng sợi tóc
Cái hoa bằng cái cúc
Màu đỏ làm ra hoa
Chim bấy giờ sinh ra
Cho trẻ nghe tiếng hót
Tiếng hót trong bằng nước
Tiếng hót cao bằng mây
Những làn gió thơ ngây
Truyền âm thanh đi khắp
Muốn trẻ con được tắm
Sông bắt đầu làm sông
Sông cần đến mênh mông
Biển có từ thuở đó
Biển thì cho ý nghĩ
Biển sinh cá sinh tôm
Biển sinh những cánh buồm
Cho trẻ con đi khắp
Đám mây cho bóng rợp
Trời nắng mây theo che
Khi trẻ con tập đi
Đường có từ ngày đó
Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc
Mẹ mang về tiếng hát
Từ cái bống cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng…
Biết trẻ con khao khát
Chuyện ngày xưa, ngày sau
Không hiểu là từ đâu
Mà bà về ở đó
Kể cho bao chuyện cổ
Chuyện con cóc, nàng tiên
Chuyện cô Tấm ở hiền
Thằng Lý Thông ở ác…
Mái tóc bà thì bạc
Con mắt bà thì vui
Bà kể đến suốt đời
Cũng không sao hết chuyện
Muốn cho trẻ hiểu biết
Thế là bố sinh ra
Bố bảo cho biết ngoan
Bố dạy cho biết nghĩ
Rộng lắm là mặt bể
Dài là con đường đi
Núi thì xanh và xa
Hình tròn là trái đất…
Chữ bắt đầu có trước
Rồi có ghế có bàn
Rồi có lớp có trường
Và sinh ra thầy giáo…
Cái bảng bằng cái chiếu
Cục phấn từ đá ra
Thầy viết chữ thật to
“Chuyện loài người” trước nhất
11, Cỏ Dại
“Cỏ dại quen nắng mưa
Làm sao mà giết được
Tới mùa nước dâng
Cỏ thường ngập trước
Sau ngày nước rút
Cỏ mọc đầu tiên”
Câu thơ nào trong ý nghĩ vụt lên
Khi tôi bước giữa một rừng cỏ dại
Không nhà cửa. không bóng cây. Tim lối
Cứ cường hào rẽ cỏ mà đi.
Người dân quân tì súng lắng nghe
Bài hát nói về khu vườn đầy trái
Anh bỗng nghĩ đến một vùng cỏ dại
Nỗi nhớ đầu anh nhớ quê anh
Mảnh đạn bom và chất lân tinh
Đã phá sạch không còn chi nữa
Chỉ có sắt chỉ còn có lửa
Và cuối cùng còn có đất mà thôi
Thù trong lòng và cây súng trên vai
Cùng đồng đội anh trở về làng cũ
Anh nhận thấy trước tiên là cỏ
Sự sống đầu anh gặp ở quê hương
Có một lần anh tìm đến bà con
Khi xúm xít quanh anh thăm hỏi
Giữa câu chuyện có điều này đau nhói:
– Đất quê mình cỏ đã mọc lên chưa?
Trong cuộc đời bình yên tựa nghìn xưa
Gần gũi nhất vẫn là cây lúa
Trưa nắng khát ước về vườn quả
Lúc xa nhà nhớ một dáng mây
Một dòng sông, ngọn núi, rừng cây
Một làn khói, một mùi hương trong gió…
Có mấy ai nhớ về ngọn cỏ
Mọc vô tình trên lối ta đi
Dẫu nhỏ nhoi không đáng nhớ làm chi
Không nghĩ đến nhưng mà vẫn có.

12, Anh

Cây bút gẫy trong tay
Cặn mực khô đáy lọ
Ánh điện tắt trong phòng
Anh về từ đường phố
Anh về từ trận gió
Anh về từ cơn mưa
Từ những ngày đã qua
Từ những ngày chưa tới
Từ lòng em nhức nhối…
Thôi đừng buồn nữa anh
Tấm rèm cửa màu xanh
Trang thơ còn viết dở
Tách nước nóng trên bàn
Và lòng em thương nhớ…
Ở ngoài kia trời gió
Ở ngoài kia trời mưa
Cây bàng đêm ngẩn ngơ
Nước qua đường chảy xiết
Tóc anh thì ướt đẫm
Lòng anh thì cô đơn
Anh cần chi nơi em
Sao mà anh chẳng nói
Anh, con đường xa ngái
Anh, bức vẽ không màu
Anh, nghìn nỗi lo âu
Anh, dòng thơ nổi gió…
Mà em người đời thường
Biết là anh có ở!

13,  Lời Ru Của Mẹ

Lời ru ẩn nơi nào
Giữa mênh mang trời đất
Khi con vừa ra đời
Lời ru về mẹ hát
Lúc con nằm ấm áp
Lời ru là tấm chăn
Trong giấc ngủ êm đềm
Lời ru thành giấc mộng
Khi con vừa tỉnh giấc
Thì lời ru đi chơi
Lời ru xuống ruộng khoai
Ra bờ ao rau muống
Và khi con đến lớp
Lời ru ở cổng trường
Lời ru thành ngọn cỏ
Đón bước bàn chân con
Mai rồi con lớn khôn
Trên đường xa nắng gắt
Lời ru là bóng mát
Lúc con lên núi thẳm
Lời ru cũng gập ghềnh
Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mênh mông.

14, Sân Ga Chiều Em Đi

Sân ga chiều em đi
Mênh mang màu nắng nhạt
Bụi bay đầy ba lô
Bụi cay xè con mắt
Sân ga chiều em đi
Gạch dưới chân im lặng
Bóng anh in thành tàu
Tóc anh xoà ngang trán
Sân ga chiều em đi
Bàn tay da diết nắm
Vừa thoáng tiếng còi tàu
Lòng đã Nam đã Bắc
Anh thương nơi em qua
Những phố phường nhộn nhịp
Bỡ ngỡ trong ánh đèn
Còn lạ người lạ tiếng
Anh thương nơi em qua
Những sương chiều mưa tối
Dặm đường xa nắng dãi
Chuyến phà con nước dâng
Em xao xuyến trong lòng
Nhớ về nơi ta ở
Mùa thu vàng đường phố
Lá bay đầy lối qua
Ngọn đèn và trang thơ
Tiếng thở đều con nhỏ
Màu hoa trên cửa sổ
Quán nước chè mùa đông
Con tàu và dòng sông
Ra đi rồi trở lại
Hà Nội ơi Hà Nội
Sân ga chiều em đi.

15, Lời Ru Trên Mặt Đất

Rào rào tiếng những bầy ong
Chuyên cần là tiếng cái tằm nhả tơ
Mẹ còn đang bận đưa ru
Cái hoa bận đỏ cái hồ bận xanh
Hạt cây đang bận nảy mầm
Con quay quay có một mình ngoài kia
Ngủ đi con hãy ngủ đi
À ơi… cái ngủ đang về cùng con
Từ trong lá cỏ tươi non
Vượt lên mặt đất vẫn còn mảnh bom
Từ ngôi nhà mới vừa làm
Nghe trong cái ngủ nồng nàn mùi vôi
Ngủ đi qua suối qua đồi
Qua trong lòng đất, những lời ru, qua…
Đây dòng sữa trắng như ngà
Dẫu thôi hạt sạn, dẫu xa cửa hầm
Vẫn còn bùn lấm đôi chân
Tuy nguồn nước đã trong ngần lời ru
À ơi… ngọn lửa ngày xưa
Mẹ nuôi dưới đất bây giờ về đâu?
Nhìn lên rực rỡ trên đầu
Lửa hôm qua đã trong màu cờ bay
Đất chung sống với ban ngày
Người chung sống với hàng cây người trồng
Lại thương con dế dưới hầm
Những năm bom đạn sống cùng lời ru
Đã tan những đám mây mù
Ông trăng tròn giữa đêm thu mát lành
Cái nôi thôi mắc cửa hầm
Trắng tinh cái tã, xanh trong bầu trời
“Ba tháng lẫy, bẩy tháng ngồi”
Con đường xa tắp đất thời mênh mông
Gió lên từ những khu rừng
Mùi hương thơm tự trong lòng của hoa
Bốn phương đâu cũng quê nhà
Như con tàu với những ga dọc đường
Đất qua rồi những đau thương
Có chăng lời hát vẫn còn mà thôi
À ơi… con ngủ… à ơi…

16,  Những Con Đường Tháng Giêng

Tôi yêu những con đường Hà Nội
Cuối năm cây cơm nguội lá vàng
Những ngọn đèn thắp sáng lúc hoàng hôn
Mái phố cũ nhấp nhô trong khói nhạt
Ngã năm rộng, cỏ ven hồ xanh mướt
Năm nay đào nở sớm, tháng giêng sang
Tháng giêng bỡ ngỡ búp bàng non
Nhiều trẻ con và nhiều chim sẻ
Những con đường đông vui như tuổi trẻ
Như cuộc đời, bao kỷ niệm đi qua
Anh trở về sau những tháng năm xa
Cây đã lớn, lòng ta nhiều đổi khác
Như đất nước vừa qua thời lửa đạn
Lại ngỡ ngàng: chim nhỏ, tháng giêng xuân
Lòng chưa quên ngọn lửa sáng đêm rừng
Câu thơ viết dưới bầu trời báo động
Tôi yêu những con đường gió lộng
Buổi mai chiều tíu tít bánh xe lăn
Mỗi ngôi nhà như dáng một người thân
Ô cửa nhỏ mở về bát ngát
Tôi yêu những phố dài tít tắp
Con đường nào cũng dẫn về anh
Bước chân đi xáo động cả tâm tình
Cây trổ lá như thời gian vẫy gọi
Những con đường ra đi, nay trở lại
Chồng gạch cao vừa dỡ ở gian hầm
Từng chở che người đêm tối bom rung
Sẽ lớn dậy với ngôi nhà đang dựng
Thành tường vách chở che cho hạnh phúc
Thành bậc thềm mở cửa đón ban mai
Tôi yêu những con đường lấp lánh mưa bay
Chim sẻ sẻ và mùa xuân đến sớm…

18, Đêm Trở Về

Một nhành cây đập khẽ vào cửa sổ
Một nhành cây ướt đẫm mưa rào
Đêm bên bờ biển, cát và sao
Gian nhà trọ, ngọn đèn vàng bé nhỏ
Đêm đầu tiên tôi trở về quê cũ
Chưa thấy mặt người thân, chưa gặp được xóm làng
Chỉ ánh sao, mùi cỏ cháy hun thuyền
Một nhành cây đập khẽ vào cửa sổ
Có thể là ngọn gió
Lá rào rào nước rơi
Hay một cánh chim bay
Thuỷ triều lớn đang ngập tràn khắp bãi
Những tảng đá vôi trắng tinh như muối
Những tảng đá xanh lấp lánh rong mềm
Tôi mở cửa ra vườn
Bốn bề xào xạc
Từ cành thấp lên cành cao
Từ cây này sang cây khác
Tiếng thì thầm lan mãi đến xa xôi
Có lẽ nào cây đã nhận ra tôi?
Chân tôi bước trên đất và trên cỏ
Tôi nghe tiếng chim đêm, tôi chạm vào tảng đá
Lòng bỗng xạc xào run rẩy như cây
Trời sáng mau đi cho tôi gặp mặt người
Hai mươi năm hai mươi năm mong nhớ
Hai mươi năm tôi mới có một khung cửa sổ
Để mở ra là gặp quê nhà
Ôi mùi thơm của những bông hoa
Những nhành cây hiền dịu
Những nhành cây như bàn tay trìu mến
Của quê nhà đang ngả xuống vai tôi
Nước mắt hoà với giọt mưa vui
Gà gáy sáng, vòm xanh nắng dậy!

19, Mây

Thuở bé tôi yêu mây
Qua những hình kỳ lạ
Đám giống hệt lưỡi trai
Óng ánh viền xanh đỏ
Rồi mây chuyển hình người
Giống mẹ tôi về chợ
Đầu đội nón tay vung
Tay kia thì cắp rổ
Cũng có đám mây đen
Giống như hình con ngựa
Có cái đuôi mượt dài
Xổ bờm tung trước gió
(Ngựa ơi phi nơi nào
Hãy mang tôi tới đó)
Ồ bao nhiêu bao nhiêu
Những khối hình kỳ lạ
Trên vòm trời nhà tôi
Mỗi buổi chiều vừa ngả
Bây giờ ta yêu mây
Dù tuổi không còn nhỏ
Không tìm ra những hình
Của ngày xưa kỳ lạ
Nhưng trên đường hành quân
Mây theo cùng che chở
Mây ơi phải mây bay
Đến miền Nam ta đó
Trong những đêm công đồn
Che mặt trăng đỡ tỏ
Mây đến những thao trường
Nơi mặt trời lửa đổ
Che lưng đồng chí ta
Đỡ nắng thiêu chín đỏ
Và trong những chiến hào
Mây mang về ngọn gió
Kìa trời cao ta đó
Mây điệp điệp trùng trùng
Trong rừng mây du kích
Vẫy vùng anh phi công
Trên đất này diệt Mỹ
Mây cũng lập chiến công.

20, Cây Trên Đường

Nhớ năm xưa trên một con tàu
Đi cùng cha. Tôi nhìn qua cửa sổ
Một chiếc cây bên đường tất tả
Như một người hành khất chạy mưa giông
Cây xa rồi, tôi vẫn ngoái trông
– Cha ơi cha, cây sợ tàu nó chạy?
– Ôi con tôi dại thơ chưa hiểu nổi
Cây đâu sợ tàu mà tàu chạy đấy con
Trong lòng tôi mang nỗi băn khoăn
Nghe con tàu nhớ cây rên xiết mãi
Thương chiếc cây một mình lùi lũi
Thương cả con tàu – tàu cũng cô đơn!…
Giá cây nhiều tàu có bạn sẽ vui hơn
Và xa tàu cây cũng không buồn đấy nhỉ
Mười lăm năm qua xa như mười lăm thế kỷ
Sáng nay đây trên quãng đường xưa
Trong toa tàu một em bé ngây thơ
Bỗng sung sướng reo lên lảnh lói:
– A! Hàng cây đang từ xa chạy tới
Đón tàu mình mẹ có thấy không?
Người mẹ ghì con vào sát bên lòng
Và nhìn theo bàn tay em trỏ
Từ phía trước, hai hàng cây nhỏ
Nắng động trên cành mườn mượt màu xanh
Gió đùa cây, lá vẫy nhanh nhanh
Như giục giã con tàu lao tới
Cây ôm tàu hai cánh tay mát rượi
Trong lòng cây, tàu chẳng cô đơn
Đôi mắt xa vời người mẹ kể cho con:
– Trên đường này trước kia không bóng mát…
Tôi nghe tiếng con tàu reo hát
Và tiếng hàng cây bắt nhịp rộn ràng
Niềm vui hôm nay đang trồng khắp ngả đường
Nhìn bàn tay mình còn thơm mùi đất mới.

21,  Mùa Hạ

Đó là mùa của những tiếng chim reo
Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả
Đất thành cây, mật trào lên vị quả
Bước chân người bỗng mở những đường đi
Đó là mùa không thể giấu che
Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng
Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng
Từ những miền cay đắng hoá thành thơ.
Đó là mùa của những ước mơ
Những dục vọng muôn đời không xiết kể
Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể
Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu
Đó là mùa của những buổi chiều
Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút
Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức
Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa
Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa
Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?
Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển
Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.

22,  Hát Với Con Tàu

1
Tuổi thơ nào chẳng có
Trắng một màu hoa lau
Dọc theo những con tàu
Chạy về xa tít tắp
Nhấp nhô màu đá xám
Nằm lặng duới đường ray
Nắng trải mùi hương bay
Những đầm sen, ruộng lúa…
Tuổi thơ nào chẳng có
Tiếng gọi những con tàu
Núi cao và rừng sâu
Giấu bao điều kỳ lạ…
Con tàu của tuổi thơ
Là một tàu cau nhỏ
Nơi con tàu đi qua
Hoa xoan rơi đầy ngõ
Vết chân trâu dẫm vỡ
Đường gạch nghiêng bờ ao
Mặt giếng thăm thẳm sâu
Mái đình cao vời vợi
Một dòng sông mê mải
Gọi hoài sau lũy tre
Chấp chới khắp đồng quê
Cánh cò bay cùng bạn…
Ga con tàu ở đâu
Làm sao mà biết được
Có thể là tiếng hát
Một câu chuyện ngày xưa
Có khi tàu ngẩn ngơ
Trước một màu hoa súng
Có khi là tiếng động
Đàn cá quẫy trên ao…
Con tàu dừng ở đâu
Là ga tàu ở đó
2
Tôi đã qua những nhà ga đổ vỡ
Tuổi thanh niên tôi có những con tàu
Con tàu qua thăm thẳm đêm sâu
Bao thành phố, bao xóm làng thức đợi
Lớp tuổi trẻ áo màu bộ đội
Nhịp tim rung cùng với nhịp con tàu
Núi thì cao, rừng lại rất sâu
Dọc đất nước mấy ngàn cây số biển
Con tàu đi bên màu xanh quyết liệt
Bỏ qua ngàn cái chết phía sau lưng
Con tàu đi cùng với vầng trăng
Cùng với những cánh rừng trụi lá
Cùng với đất dạn dày bom toạ độ
Và trời xanh đe doạ ở trên đầu
Tuổi thanh niên tôi có những con tàu
Nằm trống lạnh không còi không ngọn khói
Những đường ray chìm trong cỏ dại
Những nhà ga lau sậy um tùm
Những nhà ga gạch nát im lìm
Không ai ra đi, không ai trở lại
Không kẻ tiễn đưa, không người ngóng đợi
Chỉ con đường vời vợi nhớ sang sông
Bao nỗi đau thời đất nước cách ngăn
Có nỗi đau một con tàu đứng sững
Những quãng đường như quãng đời bỏ vắng
Đứng trên nền ga cũ giữa đồng khuya
Nhớ xôn xao bao gương mặt đi về
Nhớ ánh lửa, tiếng dồn toa rậm rịch
Thanh tà vẹt hoá thân làm kẻng
Rung mỗi lần báo động xé không gian
Tôi đã qua những tháng những năm
Nhiều làng xóm vắng tiếng còi réo gọi
Nhưng tuổi trẻ vẫn bao miền trông đợi
Lớp trước đi rồi, lớp mới lại ra đi
Em tiễn anh ra ga
Giữa mù mịt bụi vôi, gạch vỡ
Em chẳng biết nói lời thương nhớ
Tàu chạy rồi bỡ ngỡ vẫy bàn tay
Anh đi, và trời trở gió may
Đêm giá lạnh thương con tàu lầm lụi
Em lại nghĩ đến điều anh nói
Về nhà ga về những con tàu
Về người tuần đường cần mẫn đêm thâu
Về ánh lửa người kiểm xa tối tối…
Mái tóc anh phủ đầy thanh bụi
Vai áo anh cùng vôi vữa bạc màu
Tuổi thanh niên em có những con tàu
Để khao khát, để thương và để nhớ
Những trưa nắng bước trên đường tàu cũ
Bàn chân trần dẫm trên lớp đá răm
Nghe niềm vui rạo rực dưới chân
Nghe trong máu tiếng con tàu réo gọi:
“… Bắt đầu đi, bắt đầu đi từ Hà Nội
Những nhịp cầu sẽ nối những dòng sông…”
3
Mùa xuân đất nước mênh mông
Con tàu đi giữa muôn lòng thương yêu
Tàu qua những sớm những chiều
Những sông, những núi, những đèo tàu qua…
Nơi nào cũng muốn là ga
Một bàn tay vẫy thiết tha con tàu
Một lời hát gửi theo sau
Một bình minh ở trên đầu cùng đi
Biển xanh là nỗi nhớ quê
Trời xanh như những cách chia xa lìa
Phố xanh trong những ánh đèn
Làng xanh đang xoá những miền thép gai
Em không nói được nên lời
Giấu trong đáy mắt tiếng cười của em
Những rừng những núi chưa quen
Những làng những phố biết em lần đầu
Mà em đã nhớ từ lâu
Mà em vẫn ước cùng nhau trở về
Con tàu nối lại trăm quê
Những tên xa vợi nay nghe hoá gần
“Đường vô xứ Huế quanh quanh”
Mà sông Hương với Ngự Bình là đây
Con tàu đi giữa biển mây
Hải Vân ta biết có ngày ta qua
Nha Trang sóng vỗ bên nhà
Phan Rang, Phan Thiết còn xa nữa mình?
Lặng yên, nghe rõ không anh
Trái tim đập giữa mông mênh đất trời
Khi vô thành phố tên Người
Con tàu như cũng nói lời thiết tha
Qua rồi bao nỗi cách xa
Quê anh giờ cũng đã là quê em
Cỏ cây, ngọn gió cũng quen
Vừa nghe tiếng nói đã nên mặn mà
Thơ em đã có bóng dừa
Có dòng kênh với con đò quê anh
Có bao trai gái đất mình
Ra đi. Giờ cũng như anh trở về
Này anh, em hát anh nghe
Dẫu không hay cũng đừng chê đừng cười
Mùa xuân tôi hát với người
Với con tàu – hát những lời thương yêu.

23, Cắt Nghĩa

Thằng em thì hay hỏi
Không kể chuyện như anh
(Tuy con, má chẳng sinh
Con vẫn quen gọi má)
– Má ơi ai sinh cá
Ai làm ra cái kem
Đêm sao lại màu đen
Ban ngày sao màu trắng?…
– Ban ngày làm bằng nắng
Màu xanh làm bằng cây
Quả ớt làm bằng cay
Tiếng ồn sinh tàu điện
Gió trong con ốc biển
Ghé tai nghe mà xem…
A lại còn cái kem
Thì làm bằng mùa rét
Bông hoa làm bằng tết
Tết làm cho hương thơm
Con làm bằng yêu thương
Của cha và của mẹ
Của bà và của ông
Của má nữa – biết không?
Con làm bằng tất cả!

24, Tiếng Gà Trưa

Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục… cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ
Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng
Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng:
– Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt!
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng
Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp
Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới
Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh chúc bâu
Đi qua nghe sột soạt
Tiếng gà trưa
Mang bao nhiêu hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.

Đôi nét về tiểu sử của nhà thơ Xuân Quỳnh

Đôi nét về tiểu sử của nhà thơ Xuân Quỳnh
Bà tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942 tại xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, Xuân Quỳnh được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành.

Tiểu sự sụ nghiệp

Tháng 2 năm 1955, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Vienna (Áo).
Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam. Xuân Quỳnh là hội viên từ năm 1967, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III. Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ, trước đó, Xuân Quỳnh kết hôn lần đầu tiên với một nhạc công của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và đã ly hôn. Từ năm 1978 đến lúc mất, Xuân Quỳnh làm biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới.
Xuân Quỳnh mất ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một vụ tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố), tỉnh Hải Dương, cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi.
Bà được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Ngày 30 tháng 3 năm 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký Quyết định số 602 chính thức truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho cố nhà thơ Xuân Quỳnh với hai tập thơ là Lời ru mặt đất và Bầu trời trong quả trứng.

Những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Xuân Quỳnh

Các tác phẩm chính:
Tơ tằm – Chồi biếc (thơ, in chung phần Chồi biếc, Nhà xuất bản Văn học, 1963), 18 bài thơ
Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung, 1968), 28 bài thơ
Gió Lào, cát trắng (thơ, 1974)
Lời ru trên mặt đất (thơ, 1978), 34 bài thơ
Cây trong phố – Chờ trăng (thơ, in chung phần Chờ trăng, 1981)
Sân ga chiều em đi (thơ, 1984)
Tự hát (thơ, 1984)
Hoa cỏ may (thơ, 1989), 18 bài thơ
Thơ Xuân Quỳnh (1992, 1994)
Thơ tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ (1994)
Không bao giờ là cuối (thơ, 2011), 21 bài thơ
Các tác phẩm viết cho thiếu nhi
Mùa xuân trên cánh đồng (truyện thiếu nhi, 1981)
Bầu trời trong quả trứng (thơ văn thiếu nhi, 1982), 32 thơ + 16 văn
Truyện Lưu Nguyễn (truyện thơ, 1985)
Bến tàu trong thành phố (truyện thiếu nhi, 1984)
Vẫn có ông trăng khác (truyện thiếu nhi, 1986)
Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995)
Chú gấu trong vòng đu quay (tập truyện)

Thành tựu nghệ thuật của nhà thơ Xuân Quỳnh

Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh đã trở nên nổi tiếng như Thuyền và biển, Sóng (viết năm 1967, in trong tập Hoa dọc chiến hào năm 1968), Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh,… Các bài thơ Sóng, Truyện cổ tích về loài người (Lời ru trên mặt đất, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1978) được đưa vào sách giáo khoa phổ thông của Việt nam. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc rất thành công các bài thơ: Thuyền và biển (4/1963), Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh.

Vinh danh nhà thơ Xuân Quỳnh

Ngày 6 tháng 10 năm 2019, nhân dịp kỉ niệm 77 năm ngày sinh của nhà thơ Xuân Quỳnh, Google đã chính thức thay đổi ảnh đại diện logo trên trang chủ của mình thành bức hoạ cách điệu mang dáng hình nhà thơ Xuân Quỳnh cùng với hình ảnh con thuyền lướt trên sóng và đàn chim trên bầu trời. Hình ảnh này nằm trong bộ sưu tập các Doodle của Google được lập ra nhằm tôn vinh những nhân vật, sự kiện nổi tiếng và đáng nhớ có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Như vậy, sau cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cố họa sĩ Bùi Xuân Phái vừa được Google vinh danh trên trang chủ, Xuân Quỳnh là danh nhân Việt Nam thứ 3 và là người phụ nữ Việt đầu tiên được Google vinh danh.
Tại Sài Gòn, có một con đường nội khu của một khu đô thị mang tên Xuân Quỳnh.
Trên đây là những bài thơ hay và nổi tiếng của nhà thơ Xuân Quỳnh do dean2020.edu.vn đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có thêm nhiều thông tin về nhà thơ Xuân Quỳnh bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *