Nhà thơ Tú Mỡ – Những sáng tác nổi tiếng của nhà thơ Tú Mỡ

Nhà thơ Tú Mỡ, tên thật là Hồ Trọng Hiếu. Ông sinh ngày 14 tháng 3 năm 1900, tại phố Hàng Hòm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trong một gia đình tiểu thủ công nghèo. Lên 5 tuổi, Trọng Hiếu học chữ Hán với ông nội. Sau khi ông nội mất, cậu bé Hiếu mới chuyển sang học trường tư chữ quốc ngữ với thầy giáo Quý ở phố Hàng Mành. Học được một năm, ông xin chuyển vào học trường công ở phố Hàng Bông, rồi tiếp đến là ở phố Hàng Vôi. Cùng chúng tôi điểm qua những sáng tác của nhà thơ Tú Mỡ qua bài viết dưới đây bạn nhé!

Tổng hợp những sáng tác nổi tiếng của nhà thơ Tú Mỡ

Tổng hợp những sáng tác nổi tiếng của nhà thơ Tú Mỡ

1. Và ông già trẻ

Ngược đời có lắm cụ già nua
Nhí nhảnh làm ra bộ tuổi thơ
Đầu tóc nhuộm đen hòng trẻ lại
Râu ria cạo trụi rõ…trai lơ
Đua chơi ra phết ông còn khoẻ
Làm việc lơ mơ, cụ kiếu già
Thấy gái y như mèo thấy mỡ
Năm thê bảy thiếp cũng không vừa

2. “Sư cậu” đi hát ả đào

Có hai “sư cậu” chùa Bà,
Ăn no rửng mỡ la cà rong chơi.
Tịnh chay mãi cũng chán đời,
Nên sư phá giới nếm mùi phong lưu.
Lần mò đến xóm hồng lâu,
Ở Ngã Tư Sở, cô đầu tìm chơi.
Kinh ân ái, tượng mày ngài,
Sư đang tụng niệm lả lơi với tình.
Ngón chầu tom chát đang xinh,
Bỗng thầy chánh tổng thình lình tạt qua.
Nhác trông bóng sãi kề hoa,
Bạch sư hổ lửa: “Đâu mà đến đây?”
Sư rằng: “Chơi gió, chơi mây,
Nhỡ đường vào tạm chốn này trú chân,
Rượu chay nhấp chén tẩy trần,
Hát chay di dưỡng tinh thần miên man.”
Thầy chánh đe giải lên quan,
Lưỡng sư xanh mắt, kêu van, nằn nì.
Chắp tay, rồi lạy, rồi quỳ,
Sì sà sì sụp như kỳ dâng sao.
Rằng: “Nay trong cuộc tiêu dao,
Ma vương đưa lối lạc vào xóm hoa.
Lần này chót dại xin tha,
A di đà phật! Đến già xin tu!”

3. Bé Nguyệt làm thơ

Trước cửa nhà
Có vườn hoa
Vườn tuy nhỏ
Cây sùm soà.
Ngày xuân đẹp trời
Nắng ấm sáng ngời,
Nguyệt cùng em bé
Ra vườn vui chơi.
Nắm tay em đi quanh
Bồn hoa nở rung rinh.
Bé Nguyệt véo von hát
Rồi tự đặt linh tinh:
“Cóc cụ trong hang, cóc nhảy ra,
Sển sền sên múa, vác theo nhà,
Dưới lỗ, chú dế mèn hát xẩm,
Trên cành, vành khuyên ríu rít ca…”
Ông nhìn các cháu phởn phơ,
Ông cười: “Cái Nguyệt làm thơ khá vần”
Cháu ông cao hứng lên dần,
Một câu sáu tám bất thần nảy ra:
“Nhà em có một vườn hoa,
Bướm vào bướm đậu, bướm ra bướm cười”
Bướm cười! Ngộ nghĩnh quá thôi!
Một vần thơ mới tuyệt vời thiếu nhi.

4. Các ông nghị đi xem đồn điền di dân

Người ta mời các nghị viên,
Lên Yên Bái xem đồn điền di dân.
Có quan Công sứ đại thần,
Mới về nhà “xẹc” ân cần thết cơm.
Cần thường đặc biệt An Nam
Cỗ tuy lòng dấm, món làm cũng thơm.
Nào là lòng lợn mắm tôm,
Nào là bò tái chấm tương điểm gừng.
Thịt dê nướng chả thơm lừng,
Tiết dê pha rượu vô cùng bổ dương.
Vịt hầm nhừ biến cả xương,
Thịt nhồi mộc nhĩ nấm hương ngon lành.
Cỗ bàn đủ cả tam sinh,
Rượu ngon nhắm tốt thoả linh các ngài.
Bữa nay được dịp trổ tài,
Với thời khí vụng ăn thời rất hay.
Của ngon thức thức sẵn bày,
Bát này đĩa nọ hết bay rầm rầm!
Tiệc tan khi đã triệt mâm,
Mặt to tai lớn đỏ hăm hồng hào.
Các ngài chếnh choáng lao đao,
Ra ga bước thấp bước cao lên tàu.
Bồi bàn một lũ theo hầu,
Nước chanh, nước đá, chè Tầu, rượu bia.
Bây giờ men ngấm hao ghê,
Sẵn đồ giã rượu hả hê dạ dày.
Kẻ hầu tíu tít luôn tay,
Các “ông dân” cũng ngớt say tỉnh dần.
Đi xem công cuộc di dân,
Hẳn nhìn mọi sự bội phần lớn to.
Khi về nhớ… bữa say no,
Ghi lòng tạc dạ tái bò chả dê.

5. Cái búp tăng gia

Bé ra đời trong kháng chiến,
Mười ba tháng chập chững đi
Môi nụ hồng xinh chúm chím,
Mắt nâu một mí, dài mi.
Tay tròn như củ cải múp,
Ngón thon như búp măng non.
Ông đặt tên là cái Búp,
Búp bê chạy lon ton.
Búp đã bắt đầu cai sữa
Mẹ sắp chỉnh huấn phương xa,
Bồng bế Búp về tạm ở
Hú hí với ông cùng bà.
Trên đồi thấy ông hì hụi
Ngày ngày vỡ đất tăng gia
Ngô, khoai, sắn, rau, dứa, chuối,
Thêm thặt thức ăn trong nhà.
Búp cũng lăng xăng bắt chước,
Sơm sớm theo ông ra đồi
Tay nâng không nổi cái cuốc:
– “Cháu cũng tăng gia, ông ơi!”
– “Búp tăng gia gì?” – ông hỏi
Búp ta lém lỉnh trả lời
– “Ông ạ, cháu tăng gia chuối
Cháu lại tăng cả gia… xôi”
Ông ngắm cháu ngoan loắt choắt,
Phủi tay, hôn cháu, cả cười:
– “Ông chịu con nhà láu thật!
Tăng gia toàn thứ thích xơi”
Hôm sau, ông ra lò chợ
Đánh một cái cuốc con con
Cho “cô nông dân” bụ bẫm
Sáng sáng theo ông làm vườn..

6. Cháu là thanh niên

Thằng Sơn lên bảy tuổi
Bé nhất nhà chon nên
Ông yêu ông gọi nựng
Là thằng Ẻm thằng Em
Tình nó cũng ngoan ngoãn
Nhưng láu lỉnh ngang nhiên
Nhiều “lý do lý trấu”
Để bênh vực lẽ riêng.
Trời nổi gió đông bắc
Ông kêu gọi thằng Em:
– “Mau lấy áo len mặc
Kẻo cảm lạnh ho hen”
Thằng Em liến thoắng đáp:
– “Cháu đang thấy nóng điên”
– “Nhưng ông thấy trời lạnh
Bảo cháu phải nghe lời”
– “Ông già ông sợ lạnh
Còn cháu là thanh niên”
Ồ thanh niên lên bảy
Thằng bé nói dị kỳ
Ý chưng muốn nhảy vọt
Qua giai đoạn thiếu nhi?
– “Tốt lắm! Nhưng ông hỏi:
Đã ba sẵn sàng chưa?”
– “Chưa! Cháu chưa đến tuổi
Là thanh niên nhận vờ”
– “Bây giờ nghe ông bảo
Thanh niên hãy xung phong
Chống lạnh mặc thêm áo”
– “Sẵn sàng vâng lời ông!”

7. Còn say

“Nhắn bác Tản Đà”
Đã lâu, bác mới ra đời,
Tưởng rằng gột óc theo thời duy tân.
Nào ngờ bác vẫn say lăn,
Lè nhè vẫn giọng thơ văn trái mùa.
Vẫn còn mộng mị, mơ hồ,
Người đời vui sống, bác ngờ chiêm bao,
Người đời hoạt động xôn xao,
Bác vờ triết lý thanh cao: bác lười!
Ngồi dưng nổi bệnh chán đời.
Bác buồn trời gió, rồi trời lại mưa!
Giải buồn chén tít say sưa,
Chai con chai bố vẫn chưa hết buồn!
Rượu vào, rồng rổng thơ tuôn,
Miệng ngâm sặc sụa hơi cồn, mùi men,
Bác rằng: khách tục bon chen,
Lao tâm, lao lực, thấp hèn bác thương.
Đời rằng: bác dở, bác ương,
Giả danh ẩn dật là phường bỏ đi.
Bác rằng: chữ thọ quí chi.
Lợi, danh, hão cả! Ham gì sống dai?
Đời rằng: thuận với lẽ trời,
Sống mà gánh vác việc đời mới hay.
Còn như sống để mà… say.
Hỏi ai vất vưởng bấy nay làm gì?
Rung đùi, rượu nốc tì tì,
Người ta tỉnh, bác li bì vẫn mê!

8. Dạy búp bê

Đặt con búp bê nhựa
Đứng quay mặt vào tường
Nguyệt làm bộ nghiêm trang
Lên cái giọng con cớn
Mắng rằng: “Con gái lớn
Đã lên tám tuổi rồi
Mẹ dạy chẳng nghe lời
Dạo này cô hư quá
Mẹ gọi cô không dạ
Mẹ bảo cô mần thinh
Cái mặt rắn như sành
Úi chà đanh đá khiếp!
Mỗi ngày có hai vệc:
Bữa cơm xong quét nhà
Và cứ sáng ngày ra
Cọ rửa bộ ấm chén
Thế mà cô lười biếng
Cứ trốn như chãch thôi
Cô cứ để cho tôi
Ngày ngày phải làm hộ
Bảo cô đã rát cổ
Như nước đổ lá khoai
Có con gái nhà ai
Lại hư thân mất nết?
Đáng lẽ tôi phải đét
Cho cô trận đòn đau
Nhưng cô đã bẹp đầu
Mà lại còn sứt mũi
Vì mấy lần ngã chúi
Cho nên tôi lại thương
Chỉ bắt cô đứng tường
Để thi hành kỷ luật”
Nhìn cháu nghiêm nét mặt
Ông không nhịn được cười
Cháu học đâu những lời
Nghiêm chỉnh pha hài hước
Mà đem ra bắt chước
Để dạy cái búp bê?
Nhưng được cái không chê
Là từ ngày hôm đó
Nguyệt ta rất là nhớ
Rựa ấm chén, quét nhà
Điều gì dạy người ta
Chính mình phải làm trước!

9. Gây quan

Mỗi năm nhà nước mở khoa thi
Để kén trong trung bắc lưỡng kỳ
Lấy mặt sỏi sành ra giúp việc
Bổ làm tập sự ngạch quan chi
Mỗi năm các cậu lớp tân khoa
Sung sướng bằng xưa đỗ thám hoa
Tuy chẳng vinh quy, cờ võng lọng
Cũng là lừng lẫy khắp gần xa
Quảng cáo công không, các nhật trình
Đăng tên, đăng tuổi, lại đăng hình,
Làm như các cậu “quan non” ấy
Là những kỳ đồng mới tái sinh
Trong làng trưởng giả những cô nào
Sẵn mỏ nhưng chưa có kẻ đào
Mấp máy hòng lên bà lớn tắt
Mơ màng của dẫn lại tay trao
Cụ thượng Quỳnh ta cũng sướng ran
Xoa tay hỉ hả cái gan vàng
Mừng cho nước Việt còn cơ khá
Vì chẳng bao giờ tiệt giống quan.

10. Ghét tết

(Thơ yết hậu)
Thiên hạ sao ưa tết?
Hẳn vì mặc áo đẹp
Tớ đây bảo Tết phiền
Ghét!
Tiêu pha thật tốn tiền
Chè chén cứ liên miên
Hết Tết đâm lo sợ
Điên!
Mồng một đi mừng tuổi
Chúc nhau nghe inh ỏi
Toàn câu sáo rác tai
Thôi!
Mừng tuổi đèo phong bao
Năm xu lại một hào
Ai sinh cái lệ đó?
Hao!
Kiết xác như vờ rồi
Còn ngông đốt pháo mãi.
Pháo kêu: Tiền hỡi tiền
Dại!

11. Hát sấm

Anh thì hào, anh thì hào
Chúng anh xưa cũng mặt anh thì hào
Cũng phường tai mắt, anh nào có chịu kém ai!
Cung cách phong lưu, anh cũng đủ mùi đời
Chỉ còn thiếu nỗi, lên trời trọc tiên
Kể từ ngày thế sự đảo điên
Làm cho anh dơ cả mắt, hoá cho nên anh phải hoá mù
Ngước cái con ngươi, anh chỉ thấy cái bóng lù lù…
Cuộc đời xoay chuyển, anh vẫn ù ù, minh minh
Người ta thời tiến bộ cạnh tranh
Mà anh đây chẳng biết ánh sáng văn minh nó ra thế nào
Số phận nhá nhem, song le anh vẫn tự hào
Nợ đời lo trả, há nào thua ai!
Nghiệp sẩm soan thế mà có ích cho đời
Tay đàn, miệng hát, anh giúp người thêm vui
Anh thẹn cho phường con mắt chẳng đui
Úa sương nặng thịt, chỉ ngồi dồi ăn dưng
Anh lại thương cho phường con mắt tráo trưng
Thấy của đời, than ôi! tối mắt [?] lăn lưng vơ quàng
Chưng anh đây danh lợi chẳng màng
Suốt đời ca hát, sường tràn hơn tiên
Có cóc ra gì cái thời buổi bạc đen
Anh chẳng thèm mở mắt để bon chen vì tiền
Được cái thảnh thơi, quan bất nhiễu, dân bất phiền…

12. Khoe lười

Anh em chớ bảo ta lười,
Làm việc cho hay phải thức thời.
Xuân hãy còn chơi cho phỉ chí,
Hạ mà cất nhắc tất nhoài hơi.
Thu sang cảm nguyệt còn ngâm vịnh,
Đông lại hầm chăn tạm nghỉ ngơi.
Chờ đến xuân sang ta sẽ liệu,
Anh em chớ bảo ta lười.

13. Mùa xuân

Dung dăng dung dẻ
Dẫn trẻ đi chơi
Mùa xuân đến rồi
Ánh xuân tươi sáng.
Đám mây bông trắng
Nổi giữa trời xanh
Gió đưa bồng bềnh
Cao vời lồng lộng
Vườn thênh thang rộng
Cỏ non xanh vờn
Hoa đào tươi thắm
Vườn xuân đầm ấm
Ríu rít chim ca.

14. Nàng thơ của tôi

Tú tôi kết bạn với nàng Thơ
Cô ả xinh xinh tính ỡm ờ
Nhí nhảnh nhưng mà hơi khó nết
Hay dằn hay dỗi, ít tơ mơ…
Những sớm bình minh buổi đẹp trời
Cây rung rinh lá, cỏ xanh tươi
Êm đềm tôi thấy lòng thơ thái
Ấy lúc cô nàng quấn quít tôi.
Thủng thỉnh đi đôi, bước dịu dàng
Đồng quê cùng ngắm cảnh mênh mang
Trông mây, nhìn bướm, nghe chim hót
Thi hứng lòng tôi thấy chứa chan.
Nhưng… lúc đưa chân đến sở làm
Vào đời thực tế hết mơ màng!
Vô tình cô ả theo chàng Tú
Tới chốn làm ăn, cảnh rộn ràng.
Tiếng máy rào rào tựa pháo ran
Những hồi chuông bấm tiếng kêu vang
Kẻ đi tất tưởi, người cặm cụi
Giấy má hồ sơ để ngổn ngang.
Công việc hằng ngày Tú vác ra
Giấy tờ sổ sách với “măng đa”
Cô nàng ngơ ngác kề tai hỏi:
“Anh Tú làm chi, chẳng phải thơ!”
Buồn thỉu buồn thiu, Tú băn khoăn
Rằng: “Việc anh làm kiếm gạo ăn
Vương lấy nợ đời nên phải trót
Kéo cày lận đận đã bao xuân.
Chốn này chẳng phải để đôi ta
Thơ thẩn cùng nhau chuyện phất phơ
Nàng hãy dằn lòng lui gót vậy
Hẹn hò khi khác sẽ tơ mơ…”
Cô nàng phụng phịu kém vui tươi
Nhếch một nụ cười rất mỉa mai
Cong cớn nguýt dài, đi mất hút
Mặc anh ký cóp ngẫn ngơ hoài.
Nhớ tiếc tôi đành chỉ nhún vai
Chúi đầu làm trọn việc sinh nhai
Cho qua ngày ấy sang ngày khác
Ba chục năm trời kiếp khổ sai.
Để mặc nàng Thơ với gió giăng
Chơi non chơi nước dạo lăng băng
Có khi vắng mặt lâu lâu lắm
Bỏ lửng nhà thơ chẳng đãi đằng.
Rồi khi cao hứng bất thình lình
Nàng lại về chơi với bạn tình
Đem vẻ vui tươi và nhí nhảnh
Cho mình an ủi cái vong linh.

15. Ông trẻ già

Ngược đời! Có lắm hạng “ông ranh”
Đạo mạo làm ra mặt lão thành!
Trước mắt long lanh đôi kính trắng,
Dưới cằm lún phún sợi râu xanh.
Đứng ngồi khệ nệ oai nghiêm giả,
Ăn nói màu mè đạo đức tuênh!
Động hé môi ra là…thở hắt,
Than cho thế thái với nhân tình.

16. Ông và cháu

Làm được ông
Không phải dễ
Biết yêu trẻ
Cho ra yêu;
Biết nuông chiều
Cho đúng độ;
Biết dạy dỗ
Chẳng cần roi;
Biết trò chơi
Cho trẻ thích;
Chuyện cổ tích
Biết thật nhiều;
Kể thế nào
Nghe thật khoái;
Biết gấp giấy
Làm thằng người,
Làm thuyền mui,
Làm tên lửa,
Làm con ngựa,
Làm chim cò…
Biết làm bò
Cho cháu cưỡi;
Bài hát mới
Biết dăm ba,
Dậy hát ca
Và biểu diễn;
Biết xử kiện
Cho thông minh,
Được cảm tình,
Không trái lẽ.
Tính con trẻ
Hay tò mò
Hỏi bất ngờ
Vài câu hóm
Oái oăm gớm
Ai? Tại sao?
Làm thế nào?
Nhiều lúc bí…
Ông phải nghĩ
Đáp cho thông.
Cháu với ông
Hai thế hệ
Già hợp trẻ,
Trẻ hợp già
Vui cửa nhà
Thật hạnh phúc!

17. Sư cô ở cữ

Chùa Yên Lạc, phủ Khoái Châu
(Tên sao khéo đặt nên câu hữu tình!)
Có bà sư trẻ xinh xinh,
Tuổi chừng ba chục xuân xanh đang vừa.
Vẻ người bầu bĩnh dễ ưa,
Nõn nà tay ngọc, mởn mơ má hồng.
Tuy duyên lộ vẻ mặn nồng,
Sư bà vẫn muốn hết lòng chân tu.
Nhưng rồi một sáng mùa thu,
Người ta thấy vị ni cô sượng sùng.
Bụng đeo cái trống cà rùng,
Đến nhà thương để tìm phòng khai hoa.
Các ngài Bồ Tát, Thích Ca,
Độ trì phù hộ sư bà trẻ son.
Đẻ ra một cậu sư con,
A Di Đà Phật! Mẹ tròn con vuông.
Đẻ xong từ giã nhà thương,
Gởi con nhà nước lên đường lại tu.
Dốc lòng tu… hú, tu… mu,
Tại miền khoái lạc, cảnh chùa yên vui.
Phật thương rồi cứ quen mùi,
Sẽ năm một, ba năm đôi xòn xòn.
Sinh năm đẻ bảy sư con,
Càng ngày quả phúc càng tròn hơn xưa.
Ngẫm ngày mùng tám tháng tư,
Bụt còn đẻ, nữa là sư?! Ngượng gì!

18. Tản Đà cốc tử

(Gửi bác Hiếu, Tản Đà)
Nghe đồn bác Hiếu Tản Đà
Mở hàng lý số tỉnh Hà nay mai
Chừng bác thấy lắm ngài “Lốc Cốc”
Chỉ chuyên môn nói dóc ăn tiền
Tán hươu tán vượn huyên thiên
Nói thánh nói tướng như tiên như thần
Nghề bẻm mép kiếm ăn cũng dễ
Chẳng khổ như cái nghệ làm văn
Lao tâm trí, tổn tinh thần
Nhà thơ vắt óc tìm vần gọi câu
Lắm lúc bí gan rầu ruột thắt
Thức thâu đêm mỏi mắt phờ râu!
Nhọc nhằn ai biết công đâu
Để cho thiên hạ giải sầu mua vui
Nghề thơ chẳng đủ nuôi thi sĩ
Nên bạn tôi phải nghĩ đường xoay
Nhà nho chữ tốt văn hay
Thời khoa lý số hẳn tay cũng tài
Vả xưa đã dùi mài Kinh Dịch
Báo An Nam chú thích tinh tường
Ngày nay đoán việc âm dương
Hẳn không bố phượu như phường ba hoa
Nào hãy đến Tản Đà Cốc Tử
Quẻ càn khôn hỏi thử xem sao
Xem tài thầy thấp hay cao
Mười câu hoạ có câu nào sai chăng?
Dù thầy có tán trăng tán cuội
Nghe nhà thơ lời nói văn hoa
Nhất khi rượu đã khề khà
Tán đâu ra đấy đậm đà có duyên
Thời khách mất đồng tiền đặt quẻ
Cũng vui tai và sẽ vừa lòng
Nhưng xin thầy chớ “nói ngông”!

19. Tương tư

Vì ai nên nỗi nhớ cùng thương
Một mối tơ tình dạ vấn vương
Sáu khắc mơ màng hình bạn ngọc
Năm canh nhớ tưởng bóng người vàng
Ruột tằm chín khúc vò tơ rối
Giấc điệp năm canh diễn khắc trường
Muốn nhắn cùng ai, ai nhắn hộ
Mòn đuôi con mắt giải sông Tương.

20. Tứ đại của bà lớn

Vừa rồi thống Diệm mới phong cho
Thím nó (tức là vợ chú Nhu)
Cái tước “Cộng hoà bà lớn nhất”
Để dương danh giá của… bà to…
Một là cái bọng của bà to,
Phề phệ y như cái bọng bò
Vắt khố dân cày bà ních bẫm
Bao năm bèo bổ tức cùng tô.
Hai là cái mặt của bà to
Phèn phẹt y như mặt hổ phù
Bác thống cho ra làm đại diện
Còn trơ hơn thớt, cộp hơn mo.
Ba là cái miệng của bà to
Xoạc tận mang tai tựa miệng sò
Quàng quạc kêu gào xui phụ nữ
Bán mình đăng lính với đi phu.
Bốn là “nhân vị” của bà to,
Việc “ngoại giao” mần giúp bác Ngô,
Rất được vừa lòng quan chủ Mỹ
Ngày đêm khăng khít bợ cơ đồ.
Bác nó làm to, thím cũng to
Bốc nhau thối hoắc nhật nhiều trò
Đúng như cửa miệng người ta mỉa
“Một đứa làm quan cả họ nhờ!”

Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Tú Mỡ

Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Tú Mỡ
Tú Mỡ, tên thật: Hồ Trọng Hiếu (1900-1976), là một nhà thơ trào phúng Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu văn học, thì với gần nửa thế kỷ cầm bút bền bỉ, ông đã có những đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của thơ ca, đặc biệt về mặt thơ trào phúng, thời nào ông cũng là bậc thầy.

Cuộc đời của nhà thơ Tú Mỡ

Tú Mỡ sinh ngày 14 tháng 3 năm 1900 tại phố Hàng Hòm (Hà Nội), trong một gia đình lao động nghèo ở thành thị (tiểu thủ công).
Lên 5 tuổi, ông học chữ Hán với ông nội. Khi ông nội mất, ông mới học chữ quốc ngữ với thầy giáo Quý ở phố Hàng Mành. Học được một năm, ông xin chuyển vào học trường nhà nước ở phố Hàng Bông, tiếp đến là trường ở Hàng Vôi.
Năm 14 tuổi (1914), ông đỗ đầu bằng sơ học Pháp-Việt, nên năm sau được vào học tại trường Bưởi (nay là Trung học phổ thông Chu Văn An), chung với Hoàng Ngọc Phách.
Năm 16 tuổi (1916), ông bắt đầu “mắc bệnh” làm thơ. Trong Hồi ký, ông kể lại: “…tôi quyết tâm học làm thơ. Trước hết tôi mua bộ Hán-Việt văn khảo để nghiên cứu các thể thơ ca, từ, phú, rồi mua những tập thơ của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Yên Đổ, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, những tác phẩm mà tôi thích đọc nhất…”
Năm 17 tuổi (1917), ông bắt đầu yêu một cô gái 15 tuổi ở Hàng Bông, làm được bài thơ tình đầu tiên (theo thể thất ngôn bát cú) có tên là Tương tư, bị Hoàng Ngọc Phách chê là sáo…
Năm 18 tuổi, ông đỗ bằng Thành Chung và cuối năm đó, ông xin vào làm (thư ký) trong Sở Tài chính (Hà Nội) cho đến Cách mạng tháng Tám (1945).
Bước vào nghề “thầy Phán”, ông sáng tác được bài thơ khôi hài đầu tiên, đó là bài Bốn cái mong của thầy Phán.
Năm 1926, ông bắt đầu có thơ đăng trên Việt Nam thanh niên tạp chí, Tứ dân tạp chí.
Sau khi gặp gỡ Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), được nhà văn này phát hiện năng khiếu làm thơ trào phúng của ông, năm 1932, Tú Mỡ tham gia Tự Lực văn đoàn, rồi được cử phụ trách mục Giòng nước ngược trên tờ Phong Hóa, một tờ báo chuyên về văn chương, hài hước và trào phúng của bút nhóm này.
Tháng 12 năm 1946, chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, Tú Mỡ lên chiến khu, tham gia kháng chiến bằng ngòi bút trào phúng sở trường quen thuộc. Thời kỳ này, Tú Mỡ ký tên là Bút Chiến Đấu. Ông giải thích: Vì thấy công cuộc kháng chiến là công cuộc nghiêm chỉnh, mình dùng bút danh để đánh địch cũng là việc làm nghiêm chỉnh,…cho nên tôi không muốn dùng bút danh cũ là Tú Mỡ. Tú Mỡ là tên đặt đùa, ý là người kế tục nhà thơ bậc thầy Tú Xương. Vả lại, hai chữ Tú Mỡ lúc này ông còn nghe gần với “đú mỡ”, có vẻ không được…nghiêm túc. Và từ nay, tôi đặt thơ vào hai mục riêng: loại đánh địch là mục “Nụ cười kháng chiến”, loại ca ngợi tinh thần anh dũng của quân dân là mục “Anh hùng vô tận”[6]. Theo Từ điển Văn học (bộ mới), thì trong lúc kháng chiến, có lần ông bị đối phương bắt nhưng đã tìm cách thoát được.
Tú Mỡ và Thế Lữ là đôi bạn tri kỷ lui tới với nhau, một đời.
Năm 1954, chiến tranh kết thúc, ông tiếp tục sáng tác phục vụ cuộc đấu tranh trong giai đoạn mới.
Năm 1957, ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, và làm Ủy viên thường vụ Hội nhà văn Việt Nam.
Năm 1974, bà vợ tào khang chung thủy của ông mất, Tú Mỡ đã viết bài thơ Khóc Người Vợ Hiền, đáng kể là một trong những bài thơ tình hay nhất:
Bà Tú ơi! Bà Tú ơi
Té ra bà đã qua đời, thực ư?
Tôi cứ tưởng nằm mơ quái ác,
Vùng dậy là tỉnh giấc chiêm bao.
Tỉnh dậy, nào thấy đâu nào,
Nào đâu bóng dáng ra vào hôm mai…
Tú Mỡ mất lúc 13 giờ ngày 13 tháng 7 năm 1976 tại Bệnh viện Việt–Xô (Hà Nội), hưởng thọ 76 tuổi.
Hiện nay tên của ông được đặt tên cho một con phố ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, nối từ phố Mạc Thái Tông đến đường Phạm Hùng ở cạnh sau Trung tâm Thương mại BigC Thăng Long. Đường Tú Mỡ ở Quy Nhơn, Bình Định nối đường Lê Bá Trinh đến đường Võ Thị Sáu.

Tác phẩm chính của nhà thơ Tú Mỡ

Thơ
Giòng nước ngược: tập 1 (Đời Nay xuất bản, Hà Nội, 1934), tập 2 (Đời Nay xuất bản, Hà Nội, 1941), tập 3 (Đời Nay xuất bản, Hà Nội, 1945)
Nụ cười kháng chiến (1952)
Anh hùng vô tận (1952)
Nụ cười chính nghĩa (1958)
Bút chiến đấu (1960)
Đòn bút (1962)
Ông và cháu (tập thơ thiếu nhi, 1970)
Thơ Tú Mỡ (tập thơ tuyển, 1971)
Diễn ca, chèo, tuồng…
Rồng nan xuống nước (tuồng, 1942)
Địch vận diễn ca (diễn ca, 1949),
Trung du cười chiến thắng (thơ, chèo, hát xẩm, 1953)
Tấm Cám (chèo, 1955)
Nhà sư giết giặc (chèo, 1955)
Dân tộc vùng lên (diễn ca, 1959), vv…
Nghiên cứu
Bước đầu viết chèo (1952)
Năm 2008, Tú Mỡ toàn tập (gồm 3 tập) được xuất bản. Bộ sách do Lữ Huy Nguyên-Trần Thị Xuyến-Hồ Quốc Cường sưu tầm và biên soạn, nhà xuất bản văn học ấn hành.

Giải thưởng của nhà thơ Tú Mỡ

Tú Mỡ đã được trao tặng các giải thưởng sau:
Năm 1951: giải nhất về thơ ca của Hội Văn nghệ Việt Nam.
Năm 1955: giải nhì về thơ ca của Hội Văn nghệ Việt Nam.
Năm 2000: được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II.
Trên đây là những thông tin liên quan đến nhà thơ Tú Mỡ do dean2020.edu.vn đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng rằng qua bài viết này bạn sẽ có thêm nhiều thông tin hơn về nhà thơ Thơ Tú Mỡ bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *